Chủ động phòng, chống
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (CCTL) tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Do địa phương có nhiều con sông lớn đi qua, như sông Ðuống, sông Cầu, sông Thái Bình và một phần hạ lưu sông Cà Lồ, cho nên để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, ngay từ cuối năm 2017, CCTL tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), UBND tỉnh sớm phê duyệt các dự án duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống đê. Ðồng thời, tích cực triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện hồ sơ pháp lý giải phóng mặt bằng, dự toán, thiết kế, quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt bản vẽ thi công, kế hoạch đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công. Khi bước vào năm 2018, cùng với các dự án chuyển tiếp, hệ thống đê của tỉnh đã được Bộ NN và PTNT đầu tư 15 tỷ đồng để thực hiện 14 dự án, hạng mục duy tu, bảo dưỡng, xử lý hư hỏng với tổng khối lượng đào đắp 6.650 m3 đất, đổ 3.350 m3 bê-tông, xây lát 2.550 m3 gạch đá, khoan phụt vữa 26,4 km. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí sự nghiệp thủy lợi, toàn tỉnh đầu tư 84 tỷ đồng thực hiện 45 dự án, hạng mục tu bổ, nâng cấp hệ thống đê địa phương. Trong đó, 37 dự án tu bổ cống, gia cố thân đê, cứng hóa mặt đê, dốc lên đê, đường hành lang chân đê với tổng kinh phí 70 tỷ đồng, do CCTL tỉnh làm chủ đầu tư; tám dự án đắp hoàn chỉnh mặt cắt, đắp cơ đê, xử lý các vết nứt mặt đê, làm đường hành lang chân đê với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, do các huyện, thị xã, thành phố bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp thủy lợi.
Xóa các trọng điểm nguy hiểm
Ði vào cụ thể tình hình mưa bão năm nay, Phó Chi cục trưởng CCTL Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều trước lũ và qua theo dõi chống lũ hằng năm, chúng tôi xác định tỉnh Bắc Ninh có 14 trọng điểm về đê điều trong năm 2018, bao gồm sáu trọng điểm quy mô cấp tỉnh, tám trọng điểm quy mô cấp huyện, thành phố. Trên cơ sở các trọng điểm này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh chỉ đạo các UBND huyện, thành phố phối hợp Sở NN và PTNT, CCTL xây dựng phương án trọng điểm PCLB để thông qua thường trực Ban chỉ huy các cấp phê duyệt trước mùa mưa bão năm nay.
CCTL Bắc Ninh tổ chức thường trực nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Ðuống và Nam Ðuống tiến hành kiểm tra, giải tỏa khơi thông các trục tiêu chính, chủ động bơm tiêu nước đệm, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực, máy móc, sẵn sàng thực hiện theo phương án phòng, chống úng nội đồng, vận hành hết công suất các trạm bơm tiêu úng ở các khu vực có diện tích đầy nước, úng ngập, chủ động bơm tiêu nước đệm, tăng cường kiểm tra công trình và cơ điện phát hiện, sửa chữa kịp thời các hư hỏng để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ðặc biệt, các phương án xử lý linh hoạt để ứng phó khi xảy ra sự cố vỡ đê, ngập nước mùa mưa bão được xây dựng một cách chi tiết. Ðối với sự cố giờ đầu thì xảy ra ở địa bàn nào thì Ban chỉ huy PCTT và TKCN cụm ở địa bàn đó chịu trách nhiệm sử dụng bộ máy của cụm và lực lượng, vật tư nhân lực tại chỗ chỉ đạo xử lý giờ đầu dưới sự điều hành của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, thị xã, thành phố. Khi sự cố phát triển có quy mô lớn, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ huy xử lý sự cố tại khu vực xảy ra sự cố do một đồng chí lãnh đạo huyện, thị xã, thành phố làm trưởng ban trực tiếp điều hành tại hiện trường. Sử dụng lực lượng xung kích của địa phương và bộ đội chủ lực khi cần thiết; sử dụng vật tư tại chỗ, vật tư của tỉnh để dự trữ tại địa bàn và đề nghị chi viện từ nơi khác đến.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu chống lũ năm 2018 và lâu dài cho hệ thống đê điều, trên cơ sở nhu cầu thực tế, ngành nông nghiệp Bắc Ninh đề nghị Bộ NN và PTNT, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tăng thêm nguồn kinh phí đầu tư cho kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và tu bổ đê điều thường xuyên hằng năm (từ 30 đến 40 tỷ đồng/năm, so với hiện nay là 15 đến 20 tỷ đồng/năm). Mặt khác, đề nghị Chính phủ bố trí nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đê hữu Cà Lồ, tiếp tục cấp kinh phí theo lộ trình hằng năm cho dự án nâng cấp tuyến đê hữu Ðuống đã được triển khai thực hiện theo chương trình nâng cấp đê sông của Thủ tướng Chính phủ.