Bạc Liêu tìm các cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân

NDO - Hàng loạt vấn đề khó khăn, vướng mắc và bức xúc của nông dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh lắng nghe và cùng nông dân tìm mọi cách khắc phục, giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Hơn 100 đại biểu là nông dân, các hộ sản xuất tại cơ sở dự Hội nghị.
Hơn 100 đại biểu là nông dân, các hộ sản xuất tại cơ sở dự Hội nghị.

Ngày 29/12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chủ trì Hội nghị, với chủ đề "Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại với nông dân, hợp tác xã năm 2022", nhằm trao đổi, bàn bạc, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Đây là lần đầu tiên trong năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh và lãnh đạo các ngành có trách nhiệm ở Bạc Liêu tổ chức đối thoại với nông dân, có hơn 100 đại biểu nông dân tham dự.

Tại Hội nghị, nhiều hộ nông dân, chủ nhiệm hợp tác xã đã thẳng thắn nêu các ý kiến, kiến nghị những vấn đề nóng bỏng, bất cập, bức xúc kéo dài từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết, khắc phục dứt điểm.

Cụ thể như: Vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, về tiêu thụ sản phẩm; hàng giả, hàng kém chất lượng, giá cả thị trường; thiếu vốn; những bất hợp lý về vốn tín dụng đầu tư sản xuất; vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp; về tổ chức, định hướng cho nông dân tiếp nhận thông tin thị trường; về tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản...

Bạc Liêu tìm các cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân ảnh 1

Đại diện các tập thể và nông dân nêu ý kiến, kiến nghị những vấn đề bức xúc.

Cũng tại cuộc đối thoại, nhiều nông dân Bạc Liêu đã tỏ thái độ rất bức xúc, bất bình về nạn “cò lúa” thời gian qua đang hoạt động nhiều ở khu vực nông thôn. Các doanh nghiệp thường không thể mua trực tiếp của nông dân mà phải thông qua thương lái (cò lúa), nông dân không quyết định được giá bán mà thường do thương lái định giá, tình trạng nông dân bị ép giá diễn ra phổ biến...

Nhiều hộ nông dân nêu ý kiến, kiến nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp cần có các giải pháp hỗ trợ cho người nông dân nhiều hơn nữa. Phải tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường và hướng tới xuất khẩu, bảo đảm chất lượng cho nông sản. Đặc biệt tiêu thụ sản phẩm làm ra của nông dân tránh tình trạng “được mùa, mất giá”...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại cuộc đối thoại, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, dám làm, dám nói và rất tâm huyết, cởi mở của nhiều đại diện hộ nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã. Những vấn đề nông dân nêu rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập thể.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị các lãnh đạo đại diện các sở, ngành liên quan và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố lắng nghe, chia sẻ, trực tiếp trao đổi thẳng thắn, giải đáp đầy đủ những vấn đề nông dân, hợp tác xã nông nghiệp quan tâm. Cần tiếp tục chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã, để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền...

Đồng chí Phạm Văn Thiều nêu rõ: Trong thời gian tới, các sở, ngành, các cơ quan có liên quan trong tỉnh cần tiếp thu đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của nông dân, hợp tác xã, để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, các buổi gặp gỡ, đối thoại, để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình; được định hướng, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo thêm động lực, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.

Cần sớm khắc phục tình trạng không ít cán bộ lãnh đạo chính quyền và các ngành có trách nhiệm của tỉnh và địa phương, cơ sở thờ ơ “vô cảm”, thiếu trách nhiệm, để các hộ nông dân “tự bơi”. Có như vậy sản xuất nông nghiệp trong tỉnh mới phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới thật sự phát triển trong thời thời mở cửa và hội nhập sâu rộng hiện nay...