Bạc Liêu thu hút nhiều dự án đầu tư

NDO - Có thể nói, năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và cả nước, nhất là tác động của khủng hoảng tiền tệ, suy giảm kinh tế, giá cả thị trường, lãi suất tín dụng cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn..., nhưng Ðảng bộ và nhân dân Bạc Liêu nỗ lực vươn lên trong gian khó, đạt nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu với số vốn hơn 5.000 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu với số vốn hơn 5.000 tỷ đồng.

Chúng tôi được biết, năm 2012, một trong những kết quả nổi bật đáng khích lệ của Bạc Liêu, là nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án tăng hơn so với năm trước. Một số dự án động lực, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vẫn được triển khai và đẩy nhanh tiến độ, đã góp phần cho tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao, đạt hơn 12%. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng cao nhất với hơn 16%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng (tương đương gần 1.500 USD). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 6.557 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; chiếm 25% GDP; giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 12%.

Một trong những kết quả đáng mừng của tỉnh Bạc Liêu năm 2012, đó là mặc dù tình hình chung của cả nước vẫn còn khó khăn, nhưng  tỉnh đã thu hút được 34 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, trong năm 2012, nhiều dự án của tỉnh đã hoàn thành và đi vào hoạt động như Nhà máy da giày An Hưng tại huyện Giá Rai; Trường mẫu giáo chất lượng cao ISchool tại thành phố Bạc Liêu và khởi công mười dự án khác với tổng mức đầu tư hơn 2.047 tỷ đồng. Ðặc biệt, dự án Ðiện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn I với 10 trụ tua-bin, chuẩn bị hòa điện lưới quốc gia vào dịp đầu năm 2013, hiện đang chuẩn bị tiến hành thi công giai đoạn II với 52 trụ tua-bin gió còn lại.

Trong những ngày cuối năm 2012, Tỉnh ủy, HÐND tỉnh Bạc Liêu đã họp, dành nhiều thời gian thảo luận, bàn bạc, phân tích nguyên nhân, thành tựu đã đạt được sau một năm. Ðồng thời, làm rõ những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm của tỉnh, nhất là về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, HÐND tỉnh Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2013, nhằm tiếp tục đưa Bạc Liêu sớm vượt qua tỉnh nghèo, trở thành tỉnh khá ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và trong cả nước. Mục tiêu của Bạc Liêu trong năm 2013, phấn đấu tăng trưởng (GDP) đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người hơn 34 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách 1.184 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 360 triệu USD... Ðồng thời, tỉnh đã đề ra chín nhóm giải pháp điều hành trên các lĩnh vực theo hướng là tiếp tục thực hiện đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ðẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, để đạt những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, bước sang năm 2013, Bạc Liêu tiếp tục khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức và toàn dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống đời thường, hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao. Ðồng thời, Tỉnh ủy thật sự coi trọng và phát huy sự năng động, sáng tạo, tâm huyết với quê hương của mỗi người con trên quê hương Bạc Liêu, quyết tâm sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực ÐBSCL và cả nước trong một vài năm tới...