PV: Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2012. Ðáng mừng là, chỉ số PCI của Bạc Liêu năm 2012 được xếp hạng bảy và tăng 32 bậc so với năm 2011. Kết quả này đã chứng minh sự quyết tâm phấn đấu rất cao của tỉnh, nhằm không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh đi lên. Xin đồng chí có thể cho biết kết quả cụ thể?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Năm 2012, Bạc Liêu xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ năm so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) về chỉ số PCI cấp tỉnh. Một điều đáng lưu ý là trong chín chỉ số thành phần của Bạc Liêu năm 2012 thì "chi phí thời gian" có điểm số tăng mạnh và đứng đầu cả nước với 8,12 điểm. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng tăng cao như: tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch trong tiếp cận thông tin... Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), năm 2012, Bạc Liêu đã tập trung nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành. Ðồng thời, nêu cao khẩu hiệu hành động "luôn đồng hành, luôn chia khó cùng DN". Có thể nói, kết quả đó đã tạo sự phấn khởi và tạo đà quan trọng để Bạc Liêu tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chỉ số PCI trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Phải khẳng định rằng, chỉ số PCI của Bạc Liêu trong những năm qua cải thiện khá rõ từ thứ hạng 59 năm 2009 lên mức 30 năm 2010... rồi đến năm 2012 lên hạng 7, tăng 32 bậc so với năm trước đó. Ðiều đó chứng minh rõ nét môi trường đầu tư của Bạc Liêu đã được cải thiện rất đáng kể. Nhờ đó các nhà đầu tư đến với Bạc Liêu ngày một nhiều hơn. Trước năm 2009, tỉnh Bạc Liêu thu hút được rất ít dự án, từ năm 2010 đến nay tỉnh đã thu hút hơn 120 dự án, với tổng vốn đăng ký hiện nay hơn 20 nghìn tỷ đồng. Có thể nói, việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư đã thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương ngày một tốt hơn. Chúng tôi luôn xác định, chỉ số PCI là một tiêu chí hết sức quan trọng để soi lại nỗ lực của hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Hằng năm, sau khi công bố chỉ số PCI, chúng tôi đều có đánh giá lại sự điều hành của tỉnh và căn cứ vào những chỉ số còn hạn chế để có giải pháp khắc phục.
PV: Ðạt được kết quả đáng mừng nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có những giải pháp như thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các DN, các nhà đầu tư yên tâm, tích cực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Có được kết quả này, trước hết phải khẳng định, trong mấy năm qua, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh Bạc Liêu, từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến mỗi đồng chí trong BCH Ðảng bộ tỉnh luôn rất quan tâm đến chỉ số PCI của địa phương. Ðồng thời, chúng tôi đã đề ra các biện pháp cụ thể, quyết tâm cao để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, kiên quyết loại bỏ những thủ tục không cần thiết, rườm rà, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư, các DN yên tâm, phấn khởi hợp tác đầu tư phát triển kinh tế ở địa phương.
Lãnh đạo tỉnh luôn xác định, nhà đầu tư đến với Bạc Liêu không chỉ mang đến nguồn vốn góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, ủng hộ an sinh xã hội, mà hơn nữa, chính tư duy nhạy bén về kinh tế, kiến thức, thông tin về thị trường do nhà đầu tư mang đến là giá trị rất lớn đối với lãnh đạo địa phương. Thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn sẵn sàng tiếp cận, lắng nghe, chia sẻ với tinh thần cầu thị đối với các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn. Quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu "cái gì khó khăn để cấp ủy, chính quyền tỉnh giải quyết, cái gì dễ dành cho DN và nhà đầu tư"... Ðặc biệt, thời gian qua chúng tôi nhận thức rằng: DN, nhà đầu tư không chỉ là "đối tượng quản lý" của chính quyền và các ngành chức năng, mà là "bạn đồng hành" cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay, góp sức vô cùng quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương Bạc Liêu. Vì vậy, chúng tôi không dừng lại ở những khẩu hiệu chung chung, mà có những việc làm rất cụ thể, thiết thực như hỗ trợ, khuyến khích DN, khi DN gặp khó khăn, tỉnh áp dụng giải pháp phân nhóm, phân chia DN theo từng nhóm, mạnh, trung bình, yếu, tìm ra được "điểm nghẽn" của từng DN để lãnh đạo tỉnh tiếp cận từng DN, cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các DN, nhà đầu tư phát triển sản xuất...
Có thể đánh giá và rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau: Trước hết là có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành những nội dung có liên quan tình hình hoạt động của DN, như: tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các cấp, các ngành; ban hành Chỉ thị 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đội ngũ DN, doanh nhân trong thời kỳ CNH, HÐH và hội nhập quốc tế; ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2012 và Kế hoạch của UBND tỉnh để tổ chức thực hiện...
Bài học thứ hai là, tiếp tục tăng cường hơn nữa việc gặp gỡ, đối thoại với DN, các nhà đầu tư để kịp thời tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ, giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Các cấp, các ngành cần có sự quan tâm DN như thường xuyên thăm hỏi, động viên DN trong lúc khó khăn. Qua đó, tạo được lòng tin, sự hài lòng của DN đối với lãnh đạo. Bên cạnh đó, phải kịp thời ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư mới, phù hợp điều kiện thực tế của DN và của tỉnh. Cải thiện các chính sách để thu hút đầu tư, như: giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xin chủ trương đầu tư và cấp giấy đăng ký kinh doanh... Ðồng thời, khai thác tối đa sự hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư; VCCI để làm tốt hơn công tác hỗ trợ DN, nhất là về quản trị kinh doanh, thương hiệu sản phẩm và thị trường...
Một bài học rất quan trọng góp phần làm tăng chỉ số PCI của tỉnh năm 2012 là sự quan tâm của các chủ đầu tư, chủ DN đối với việc tham gia đánh giá vào các nội dung trong phiếu điều tra của VCCI. Qua đó, thể hiện rõ sự cảm nhận của mình đối với công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền trong tỉnh.
PV: Không chỉ chú trọng nâng cao chỉ số PCI, trong mấy năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu còn rất nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư. Kết quả đáng ghi nhận là, từ năm 2009 đến nay, đặc biệt trong mấy năm qua, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, nhưng Bạc Liêu vẫn thu hút được khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư phát triển kinh tế. Xin đồng chí có thể cho biết một số kết quả cụ thể về lĩnh vực này?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Có thể nói, mấy năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Bạc Liêu tìm hiểu, ký kết hợp tác đầu tư các dự án. Hiện nay, tổng số vốn các nhà đầu tư, các DN đăng ký và đang triển khai thực hiện ở địa phương lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng. Mặc dù trong 2012 và những tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn không ít khó khăn, nhưng đáng mừng là chỉ tính trong năm 2012, Bạc Liêu đã thu hút được 34 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, trong năm 2012, nhiều dự án của tỉnh đã hoàn thành và đi vào hoạt động như Nhà máy da giày An Hưng tại huyện Giá Rai; Trường mẫu giáo chất lượng cao ISchool tại TP Bạc Liêu và khởi công mười dự án khác với tổng mức đầu tư hơn 2.047 tỷ đồng. Ðặc biệt, Dự án Ðiện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn I với 10 trụ tua-bin, hiện đang chuẩn bị tiến hành thi công giai đoạn II với 52 trụ tua-bin gió còn lại. Tổng dự toán số vốn đầu tư dự án Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu lên đến hơn 5.200 tỷ đồng.
PV: Từ kết quả đạt được trong năm 2012, Bạc Liêu có những chủ trương và giải pháp gì để giữ vững và phát huy kết quả đã đạt được về chỉ số năng lực cạnh tranh trong năm 2013 và những năm tiếp theo, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương cần năng động, sáng tạo, phấn đấu cao hơn nữa nhằm tạo ra môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn để thu hút các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm, phấn khởi, hăng hái đầu tư vào Bạc Liêu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Tỉnh tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực nâng cao chỉ số PCI. Ðồng thời, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá thật khách quan những điểm mạnh, điểm yếu để có sự điều chỉnh cho hoàn thiện làm cơ sở thực hiện.
Mặt khác, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng thu hút đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh, để làm nền tảng, điểm tựa vững chắc cho quá trình thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh phấn đấu xây dựng một chính quyền năng động, thân thiện, thật sự gắn kết với nhân dân, DN, nhà đầu tư; đồng thời sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nhân đến đầu tư, khai thác có hiệu quả bền vững tiềm năng, thế mạnh và làm giàu trên đất Bạc Liêu. Ðặc biệt, chú trọng khơi dậy tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức và toàn dân phát huy sự năng động, sáng tạo, tâm huyết với quê hương, quyết tâm đưa Bạc Liêu sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, phấn đấu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình ở khu vực ÐBSCL và cả nước...
PV: Xin cảm ơn đồng chí.