Bạc Liêu cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển

NDO - Tỉnh Bạc Liêu cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Phấn đấu sớm đưa Bạc Liêu trở thành một động lực phát triển quan trọng của vùng, sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc tại Trụ sở Tỉnh ủy Bạc Liêu, chiều 4/12. (Ảnh: TRỌNG DUY)
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc tại Trụ sở Tỉnh ủy Bạc Liêu, chiều 4/12. (Ảnh: TRỌNG DUY)

Trong chương trình công tác tại Bạc Liêu, chiều 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác có làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng. Ngoài ra còn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, thời gian qua, nhất là trong năm 2022 mặc dù trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu đã đạt nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Dự kiến năm 2022, tỉnh có 15/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt hơn 4.100 tỷ đồng, vượt trên 25% dự toán, tăng trên 10% so với năm 2021.Hiện trên địa bàn có 8 dự án điện gió đang hoạt động với tổng công suất 469,2 MW (thứ 3 cả nước), tổng sản lượng điện gió đạt hơn 2 tỷ kWh/năm…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến công tác lần này của Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, nhằm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nói trên, đồng thời làm việc với tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng lưu ý, tỉnh Bạc Liêu cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Phấn đấu sớm đưa Bạc Liêu trở thành một động lực phát triển quan trọng của vùng, sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia và trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu, chú trọng công tác quy hoạch để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, mở ra không gian phát triển mới. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cần huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết, kiên định, kiên trì giải ngân 100% theo đúng kế hoạch, tạo nền tảng quan trọng thu hút đầu tư. Thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; không ngừng cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị hành chính công, cải cách hành chính cấp tỉnh. Tăng cường đối thoại và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cần hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu. Tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội…