Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI); Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía bắc, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cùng nhiều nhà đầu tư.
Tại hội nghị, tỉnh Bắc Kạn đã giới thiệu với các nhà đầu tư về tiềm năng, lợi thế và những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững, do vậy, tỉnh đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh.
Về cơ sở hạ tầng, hiện nay, đường cao tốc từ Hà Nội-Thái Nguyên-Cao Bằng đang từng bước xây dựng hoàn chỉnh. Đoạn tuyến Hà Nội-Thái Nguyên-Chợ Mới đã đưa vào sử dụng. Đoạn tuyến Chợ Mới-Thành phố Bắc Kạn đầu tư 4 làn xe dự kiến hoàn thành năm 2026. Tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể cũng đang được thi công, hệ thống giao thông liên kết vùng đang dần hoàn thiện.
Bắc Kạn chuyển hướng thu hút đầu tư
Bắc Kạn cũng là tỉnh có thế mạnh phát triển dịch vụ, du lịch trong đó Khu du lịch hồ Ba Bể sẽ được đầu tư hướng tới trở thành Khu du lịch Quốc gia. Bắc Kạn cũng có hàng trăm điểm di tích lịch sử, nổi bật là ATK Chợ Đồn.
Bắc Kạn có lợi thế về nông, lâm nghiệp, toàn tỉnh có hơn 417.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 100.000ha rừng trồng. Địa phương này cũng có nhiều loại nông sản đặc sản như cam quýt, chè, hồng không hạt. Ngoài ra, Bắc Kạn cũng có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu.
Hội nghị thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia. (Ảnh: TUẤN SƠN) |
Hiện tại, Bắc Kạn đã và đang xây dựng 7 cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng nhấn mạnh, Bắc Kạn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng trong tương lai.
Tại hội nghị, bên cạnh tiếp cận thông tin về các dự án, các nhà đầu tư đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất tập trung vào việc: nghiên cứu xây dựng các điểm hạ tầng logistics gắn với chế biến nông, lâm sản; cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai...
Hội nghị đã giới thiệu, mời gọi đầu tư vào 45 dự án. Trong đó có 4 dự án bất động sản; 7 dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ; 5 dự án hạ tầng đô thị, thương mại và sân gôn; 5 dự án hạ tầng thương mại; 13 dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; 5 dự án chế biến; 6 dự án nông, lâm nghiệp.
Riêng lĩnh vực nông, lâm nghiệp thu hút đầu tư vào các dự án: Dự án trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm; Dự án phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa; Dự án trồng, chăm sóc, phát triển dược liệu; Dự án xây dựng vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ của 4 nhà đầu tư với tỉnh Bắc Kạn và 1 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn.
Được biết, từ khi hạ tầng giao thông được cải thiện, trong khoảng 3 năm lại đây, việc thu hút đầu tư của Bắc Kạn đã có những biến chuyển rất tích cực.
Hiện tại, hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch và bất động sản đều đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề nghiên cứu đầu tư.
Bắc Kạn đã có 176 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng; có 117 doanh nghiệp và 73 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.398 doanh nghiệp, 420 hợp tác xã.