Bắc Kạn thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn chủ trương thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và du lịch sinh thái nhằm tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có. Hướng đi này đã tạo ra động lực phát triển mới, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân, gia tăng giá trị kinh tế cho tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki, Khu công nghiệp Thanh Bình.
Chế biến nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki, Khu công nghiệp Thanh Bình.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ là trọng tâm thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của Bắc Kạn.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, riêng giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trồng mới hơn 32.700ha rừng nguyên liệu, trong đó có 17.600ha rừng trồng gỗ lớn; tổng sản lượng khai thác trong giai đoạn này là 724.203m3. Vì vậy, lĩnh vực công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh thuận lợi về nguồn nguyên liệu để phát triển.

Hiện nay, trong Khu công nghiệp Thanh Bình có các nhà máy chế biến gỗ, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu của một số doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả.

Hiện tại, đang có bảy dự án thuộc lĩnh vực sản xuất ván ép công nghiệp; ván sàn Container-LVL; sản xuất ván gỗ dán,... đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp này.

Lần đầu từ khi đi vào hoạt động, Khu công nghiệp Thanh Bình cơ bản phủ kín diện tích và số lao động địa phương chiếm khoảng 80%, với thu nhập bình quân hằng tháng đạt khoảng 6 triệu đồng/người.

Để thu hút, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến khu vực nông thôn, Bắc Kạn định hướng, hỗ trợ cho các hợp tác xã.

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã tổ chức 43 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 1.700 lượt cán bộ hợp tác xã về kiến thức quản trị, kỹ năng quản lý; hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm...

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng/hợp tác xã từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Điển hình như các hợp tác xã đã hoạt động hiệu quả với doanh thu tăng bình quân 180%; lợi nhuận tăng 150%; thu nhập tăng 200% so với năm 2016.

Nhiều hợp tác xã như Tài Hoan, Thanh Tâm, Tân Thành... đã xuất khẩu được sản phẩm sau chế biến, đây là điều chưa từng có ở Bắc Kạn.

Trong đó phải kể đến Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn) từ vốn hỗ trợ đã đầu tư và ứng dụng công nghệ mới để chế biến những sản phẩm từ củ nghệ mang thương hiệu của Bắc Kạn, đạt tiêu chuẩn OCOP.

Sự liên kết chặt chẽ từ khâu trồng, chế biến, xây dựng thương hiệu đến tiêu thụ sản phẩm đã giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng lên gấp 1,5 lần so với trước đây.

Để "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư nói chung và vào nông, lâm nghiệp nói riêng, Bắc Kạn đang tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản các cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng (Chợ Đồn), Chu Hương (Ba Bể), Vằng Mười (Na Rì), Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Quảng Chu (Chợ Mới), Cẩm Giàng (Bạch Thông), Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn)... Khi hoàn thành những cụm công nghiệp này sẽ dành phần lớn mặt bằng cho các dự án chế biến nông, lâm sản.

Cùng với đó, tỉnh đã nỗ lực để thay đổi môi trường đầu tư, "xóa" đi hình ảnh về một vùng đất khó khăn, thiếu hấp dẫn và rủi ro cao trong đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, năm 2022 là năm thứ sáu liên tiếp Bắc Kạn tăng hạng trong bảng xếp hạng PCI. Năm 2022, tỉnh tăng 13 bậc, xếp thứ 35 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bắc Kạn hiện nằm trong tốp 10 tỉnh có điểm số cao nhất ở các chỉ số tính minh bạch, chi phí thời gian và tính năng động, tiên phong.

Đặc biệt, năm 2022, chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được đưa vào báo cáo PCI và Bắc Kạn là một trong 10 tỉnh có chỉ số PGI cao nhất cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên, Bắc Kạn sẽ tập trung đánh giá, phân tích nguyên nhân và có các giải pháp hết sức cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cũng như thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

"Thời gian tới, định hướng phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững của tỉnh là thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường...", ông Tuyên nhấn mạnh.

Trong năm 2023, Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho 14 hợp tác xã để xây dựng nhà kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm.

Tỉnh phấn đấu thu hút đầu tư 11 dự án lĩnh vực nông, lâm nghiệp, như: chế biến, bảo quản các sản phẩm từ hoa quả có múi; xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; sản xuất đồ uống đóng chai bổ dưỡng từ nguyên liệu tự nhiên; sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; trồng, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu…