Bắc Kạn tăng cường quản lý khoáng sản

Là tỉnh có nhiều mỏ, điểm mỏ của nhiều loại khoáng sản, Bắc Kạn có tiềm năng cho phát triển công nghiệp khai thác, chế biến. Từ năm 2021, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác quặng sắt tại mỏ Bản Phắng, huyện Ngân Sơn. (Ảnh ÐÌNH VĂN)
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác quặng sắt tại mỏ Bản Phắng, huyện Ngân Sơn. (Ảnh ÐÌNH VĂN)

Sau hai năm, nhiều vụ vi phạm đã được xử lý nghiêm minh, công tác quản lý khoáng sản có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập cần được giải quyết rốt ráo hơn.

Xử nghiêm vi phạm

Bắc Kạn hiện có nhiều khoáng sản như: chì, kẽm, vàng gốc, thạch anh, photphorit, barite, flourit, đá vôi trắng, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi, đất sét, đất san lấp… Hầu hết các khu vực này nằm trong rừng sâu, vùng hẻo lánh, khó quản lý nên dễ phát sinh việc khai thác, vận chuyển trái phép. Thực tế, tình trạng này đã diễn ra, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU, các lực lượng chức năng, địa phương của tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, kể cả của các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2022, đơn vị phối hợp với Tổng cục Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra 11 doanh nghiệp khai thác 14 mỏ khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác. Kết quả, Tổng cục Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xử phạt Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico không lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ sắt Pù Ổ, xã Quảng Bạch (Chợ Ðồn) khi thay đổi tên pháp nhân; Công ty TNHH Khai khoáng Bắc Kạn khai thác mỏ chì kẽm Nà Tùm, ở xã Ngọc Phái và thị trấn Bằng Lũng (Chợ Ðồn) và mỏ chì kẽm Nà Lẹng-Nà Cà, ở xã Sỹ Bình (Bạch Thông) không giải quyết đầy đủ các vấn đề tồn tại theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tháng 12/2021, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Kạn) phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tại khu vực Bản Tặc, xã Ðức Vân (Ngân Sơn). Qua kiểm tra, phát hiện 6 đối tượng cùng khoảng 1.000 tấn quặng tập kết trái phép, lán trại, hệ thống đường điện, 7 bể ngâm ủ để tách, chiết vàng, dụng cụ phục vụ hoạt động chế biến khoáng sản. Ngày 16/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Kạn) ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Công Thành, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội); ngày 16/8/2022, khởi tố bị can Ngô Sỹ Quân, trú tại khu 1, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên.

Ngày 19/7/2022, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Bắc Kạn) kiểm tra khu vực Lò Giang ở thôn Hợp Tiến, xã Bản Thi (Chợ Ðồn) phát hiện 15 đối tượng có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thu giữ khoảng 5 tấn quặng. Kiểm tra lán ở của các đối tượng thu được 60 thỏi thuốc nổ, 3 cuộn dây cháy chậm, 86 kíp nghi là kíp nổ.

Theo Công an tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2022, đơn vị đã phát hiện xử lý 6 vụ vi phạm pháp luật về khoáng sản. Ðơn vị đã khởi tố 2 vụ với 4 bị can, xử lý vi phạm hành chính 4 vụ với số tiền phạt 113 triệu đồng; tịch thu 156kg quặng vàng nguyên khai đã khai thác, 43m3 khoáng sản đá hộc đã khai thác, 1 đầu nổ, 1 đầu máy nghiền, 2 xe rùa, 3 xẻng, 1 máy đục bằng điện, 2 tấm niken, 7 thảm lót, 2 máng gỗ, 1 máng chớp, 1 máng nón kim loại, 2 xà beng, 1 bai, 5 chậu, 1 can đựng dầu.

Nhiều khu vực khoáng sản trước đây vốn là điểm nóng nhưng do lực lượng chức năng truy quét thường xuyên nên đã giảm hẳn tình trạng khai thác trái phép. Hạt trưởng Kiểm lâm phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì) Lê Xuân Diệu cho biết, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành truy quét 88 lượt với 358 lượt người tham gia tại khu vực Tô Lù, Lũng Quang, Lũng Ðẩy, Lũng Lực, Lũng Chạo thuộc xã Kim Hỷ; khu vực Hang Bó Than thuộc xã Lương Thượng... Qua đó đã tiêu hủy 10 máy nổ; 1 sên hút nước; 4 máy tời, nghiền; 3 máy bơm; 5 mô-tơ phát điện; 4 đầu hút; 1 máy nén khí; 12 lán tạm và một số vật dụng phục vụ khai thác khoáng sản trái pháp luật.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2022, Ðoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã kiểm tra, kiểm soát 8 đợt trên địa bàn các huyện. Ðoàn đã chuyển hồ sơ cho Cục Thuế xử phạt vi phạm hành chính hơn 186 triệu đồng do hàng hóa lưu thông không có hóa đơn chứng từ; Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lỗi chở quá tải trọng với người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp sở hữu phương tiện vận tải số tiền 36 triệu đồng.

Trong năm 2022, UBND các huyện, thành phố cũng đã tổ chức hơn 90 lượt kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó phát hiện 11 vụ khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 135 triệu đồng; thu giữ và tiêu hủy 9 máy nổ, 3 đầu sên, 1 thuyền, 4 máy nghiền, 1 máy hàn, 200 lít xăng dầu, 210m vòi dẫn nước, 11 lán tạm, 2 máy phát điện nhỏ và 1,2 tấn quặng.

Bắc Kạn tăng cường quản lý khoáng sản ảnh 1

Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại huyện Chợ Ðồn. (Ảnh THU TRANG)

Cần quyết liệt hơn

Mặc dù đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nhưng hầu hết các vụ việc được phát hiện khi "sự đã rồi". Ðiều đó cho thấy, công tác ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép ở Bắc Kạn còn nhiều bất cập.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thanh Oai, chính quyền cơ sở (cấp xã) chưa thường xuyên, chưa sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Còn tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra hoạt động san ủi mặt bằng trong khu vực có khoáng sản, có nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản. Một số huyện như tại Chợ Ðồn, Ngân Sơn và Chợ Mới vẫn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Một bất cập nữa là việc kê khai sản lượng khoáng sản thực tế khai thác phụ thuộc chủ yếu vào sự tự giác của các doanh nghiệp, cho nên không tránh khỏi tình trạng khai báo không trung thực, dễ thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản.

Hiện tại, để bảo đảm quản lý khoáng sản có hiệu quả, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp hoàn thiện Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tổng số khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã khoanh định là 1.038 khu vực với tổng diện tích hơn 145.400ha (không có khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản). Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Trước mắt, Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (nhất là việc lợi dụng san ủi mặt bằng để khai thác khoáng sản trái phép). Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép; quản lý chặt chẽ việc sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng; quản lý đất đai chặt chẽ, có biện pháp ngăn chặn các trường hợp hộ gia đình, tổ chức, cá nhân lợi dụng việc san ủi mặt bằng để khai thác, chế biến khoáng sản trái pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở đã kiến nghị Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 10. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện giải pháp kịp thời chấn chỉnh, phê bình, xử lý theo quy định đối với các tổ chức, tập thể, công chức, viên chức và người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không hết trách nhiệm theo nhiệm vụ phân công, để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép và xả nước thải vào nguồn nước trái pháp luật trên địa bàn.