Bắc Kạn lần đầu tiên có giống cây lưu hành đặc cách

NDO - Bí xanh thơm là giống bí quý, riêng có của tỉnh Bắc Kạn. Khắc phục giống thoái hóa và quyết tâm đưa thành cây trồng hàng hóa đặc sản, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực, cho kết quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học kiểm tra mô hình phục tráng giống bí xanh thơm tại xã Yến Dương (Ba Bể). (Ảnh: HƯƠNG DỊU)
Các nhà khoa học kiểm tra mô hình phục tráng giống bí xanh thơm tại xã Yến Dương (Ba Bể). (Ảnh: HƯƠNG DỊU)

Bí xanh thơm là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Đặc điểm quý của bí xanh thơm là tất cả thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm như nếp cái hoa vàng. Quả bí khi chế biến có độ dẻo, mùi thơm, vị đậm, ngậy béo; là món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe... Với những đặc tính quý này, bí xanh thơm Ba Bể ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Điều đặc biệt là giống bí này chỉ cho trái ngon, mùi thơm đặc trưng nhất khi được trồng ở các xã lân cận vùng hồ Ba Bể. Riêng đối với giống cây quý này, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp để phục tráng, bảo tồn, phát huy.

Đầu tháng 10/2022, tỉnh Bắc Kạn nghiệm thu đề tài Phục tráng giống bí thơm Ba Bể bảo đảm năng suất cao, chất lượng tốt. Qua quá trình nghiên cứu đề tài đã điều tra đánh giá tình hình sản xuất, khả năng phân bổ bí thơm và thu thập vật liệu phục tráng. Trên cơ sở 500 cá thể được lựa chọn để phục tráng, qua phục tráng đã xác định được02 dòng có ký hiệu LVC và T13 có kiểu hình phù hợp đặc điểm của giống bí thơm tại Ba Bể để theo dõi.

Kết quả phục tráng đã xác định được giống bí thơm phấn trắng (từ dòng LVC) có các kiểu hình đặc trưng của bí thơm Ba Bể và đủ tiêu chuẩn làm giống. Xây dựng Mô hình sản xuất giống bí thơm với diện tích 1ha tại 2 xã Yến Dương và Địa Linh đã cung cấp được 5 tấn quả giống cho người dân.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, đề tài còn hoàn thành thủ tục công nhận giống và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống với mã số lưu hành đặc cách: CNLH.2022.38. Việc công nhận giống sẽ là công cụ, yếu tố quan trọng để giúp cho quá trình thương mại hóa gia tăng giá trị của sản phẩm bằng cách xây dựng thương hiệu.

Trước đó, tháng 6/2022, Bắc Kạn lần đầu tiên tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm. Du khách tham gia sự kiện đã lần đầu tiên được nghe giới thiệu về giống bí quý, quy trình canh tác, tận mắt chiêm ngưỡng những giàn bí trĩu quả. Theo Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể, kết quả thu được từ sự kiện này là rất khả quan.

Hiện nay, cây bí xanh thơm đã và đang được huyện Ba Bể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn trồng được hơn 200ha bí xanh thơm, sản lượng ước đạt 8.000 tấn. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ PGS, chứng nhận OCOP 3 sao. Với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha, so cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Quả bí được các Hợp tác xã chế biến thành nhiều sản phẩm, xuất bán đi khắp các tỉnh, thành phố qua hệ thống các siêu thị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, đây là lần đầu tiên Bắc Kạn có một giống cây được công nhận lưu hành đặc cách. Cùng với việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với giống cây quý, một hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả đã được mở ra. Chúng tôi hướng đến phát triển cây bí xanh thơm thành hàng hóa, tiêu thụ chủ yếu qua hệ thống các siêu thị lớn trên cả nước và xuất khẩu.