Bắc Kạn: Công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn

NDO - Tối 15/12, tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức công bố quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. (Ảnh: NÔNG VUI)
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. (Ảnh: NÔNG VUI)

Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn; Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo huyện Chợ Đồn cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

ATK Chợ Đồn nằm trên địa bàn các xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. ATK Chợ Đồn thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc cùng với ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và ATK Tân Trào (Tuyên Quang).

Đây là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 30/11/2023.

Bắc Kạn: Công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn ảnh 1

Biểu diễn văn nghệ tại hội nghị công bố quy hoạch. (Ảnh: NÔNG VUI)

Theo đó, tổng diện tích lập Quy hoạch là 135ha, thuộc địa bàn các xã Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan.

Nội dung của Quy hoạch bao gồm quy hoạch phân vùng chức năng; quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan di tích; định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan vùng bảo vệ di tích; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại các di tích; định hướng phát triển du lịch; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.

Việc triển khai thực hiện Quy hoạch được phân theo 5 nhóm dự án thành phần. Nhóm 1: Nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tài liệu, tư liệu, hiện vật và kiểm kê, lập hồ sơ khoa học (bổ sung) về di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (số hóa) về khu di tích.

Nhóm 2: Tổ chức khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc bảo vệ đất di tích; xây dựng biển, bảng giới thiệu, chỉ dẫn di tích; giải tỏa vi phạm và đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn.

Nhóm 3: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phục chế bổ sung hiện vật trong di tích; xây dựng các công trình phục vụ phát huy giá trị di tích.

Nhóm 4: Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Nhóm 5: Nâng cao năng lực quản lý di tích gắn với phát triển du lịch.

Tổng mức đầu tư dự kiến theo quy hoạch gần 700 tỷ đồng. Việc thực hiện các nhóm dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong thời gian từ năm 2024 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Bắc Kạn: Công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn ảnh 2

Đông đảo đại biểu và nhân dân đến dự, chứng kiến công bố quy hoạch. (Ảnh: NÔNG VUI)

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình yêu cầu các đơn vị liên quan và huyện Chợ Đồn triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng tới lập, thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần.

Được biết, ATK Chợ Đồn bao gồm 25 di tích, trong đó có 6 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 3 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 16 di tích đưa vào danh mục kiểm kê.

Năm 2016, ATK Chợ Đồn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, huyện Chợ Đồn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn.

Những năm qua, vì chưa có quy hoạch nên nhiều di tích lịch sử trong ATK Chợ Đồn xuống cấp, tiềm năng du lịch chưa được đánh thức.

Với việc được phê duyệt quy hoạch, ATK Chợ Đồn sẽ có cơ hội đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo để trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và phục vụ du lịch lịch sử về nguồn. Từ đó, giúp Bắc Kạn sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.