Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 11, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến cao hơn từ 15-40% so với trung bình nhiều năm; riêng các tỉnh trung du, vùng núi Bắc Bộ, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến ở ngưỡng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ngoài ra, trong thời kỳ dự báo, bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên Biển Đông: 1,5 cơn; trung bình nhiều năm đổ bộ: 0,9 cơn).
Đặc biệt, trong thời kỳ dự báo, tại khu vực Bắc Bộ, hoạt động của không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ đặc biệt trong thời kỳ 10 ngày đầu tháng, có khả năng gây ra đợt rét đầu tiên trong năm 2024.
Ở khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng (tập trung chủ yếu từ nam Nghệ An đến Khánh Hòa). Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong tháng 11, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.