Ý thức được vấn đề này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chú trọng hoàn thiện nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn. Qua đó, tạo sức bật để tỉnh tiếp tục phát triển thành địa phương mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Những “mạch máu” đang dần được khơi thông
Những ngày đầu tháng 11/2023, trên công trường, hàng trăm công nhân đang miệt mài thi công tuyến đường ven biển ĐT 994 - cung đường liên kết giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tỉnh Bình Thuận.
Với chiều dài gần 77 km (điểm đầu của dự án giao với đường 991B, thị xã Phú Mỹ, điểm cuối giao với Quốc lộ 55 xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc để nối với tỉnh Bình Thuận), quy mô từ 6-8 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h; đây được cho là huyết mạch giao thương rộng lớn ở phía đông (thuộc vùng chức năng du lịch và đô thị biển theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), nối trục kinh tế phía tây (thuộc vùng chức năng công nghiệp-cảng biển) của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven biển ĐT 994 sẽ kết nối giữa cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, Khu công nghiệp Long Sơn, Hóa dầu Long Sơn với toàn bộ các khu vực kinh tế du lịch biển ở phía đông của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, tuyến đường này đi xuyên qua những khu du lịch ven biển, đô thị biển như Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu để tạo thành trục động lực phát triển du lịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc Lê Thị Trang Đài cho biết: Xác định hệ thống giao thông kết nối không chỉ dựa vào các trục đường chính, do đó, địa phương đã và đang đầu tư các dự án giao thông liên huyện, liên xã như trục ĐT 328, 329, 991 và những tuyến tránh từ xã Bưng Riềng về Phước Bửu hay đường ODA Hồ Tràm về Bình Châu, nhằm tạo điều kiện để du khách từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai hoặc Bình Thuận đều có thể di chuyển về Xuyên Mộc thuận lợi nhất.
Còn theo ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đất Đỏ, việc mở rộng, nâng cấp đường ĐT 994 không chỉ giúp phát triển các khu vực gần kề, mà còn gián tiếp giúp địa phương mở ra nhiều không gian phát triển khác.
“Đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu đoạn từ Khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù thuộc địa phận huyện Đất Đỏ đi theo đường ven núi, qua đó, giảm tải áp lực giao thông qua trung tâm đô thị và các dự án du lịch ven biển của thị trấn Phước Hải. Con đường này cũng tạo ra sự kết nối giữa không gian núi Minh Đạm và ven biển Phước Hải, tạo dư địa tốt để địa phương thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp”, ông Vàng chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu Vũ Hồng Thuấn cho rằng, đường ven biển Vũng Tàu- Bình Châu là con đường huyết mạch, mở ra cơ hội phát triển cho các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh.
“Việc triển khai dự án là dịp để chúng tôi nhìn ra cơ hội, cách tiếp cận khác đối với du khách để hiện thực hóa mục tiêu đưa Vũng Tàu trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua”, ông Vũ Hồng Thuấn nhấn mạnh.
Song song với việc mở rộng, nâng cấp đường ĐT 994, tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng cũng đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Khi dự án hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông xương sống, xóa thế độc đạo, giải quyết ùn tắc trên Quốc lộ 51.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc đầu tư các tuyến đường cao tốc, đường nối với đường cao tốc, đường ven biển như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo thành một mạng lưới hạ tầng thông suốt kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo động lực phát triển bứt phá cho ngành du lịch, đô thị biển của tỉnh.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào hệ thống giao thông kết nối vùng thì không thể mang lại hiệu quả tối đa. Do đó, các dự án đường nội tỉnh cũng phải được thực hiện đồng bộ để tạo sự thông suốt, qua đó, phát huy nội lực của các huyện, thị xã, thành phố có định hướng phát triển du lịch, đô thị, kinh tế biển trong tương lai.
Tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu; tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu từ vòng xoay Quốc lộ 56 đến đường ven biển và đến vòng xoay Đường 3/2, thành phố Vũng Tàu đóng vai trò mấu chốt trong hệ thống này.
“Khi các dự án thành phần của tuyến đường ven biển ĐT 994 hoàn thành sẽ kết nối hạ tầng tạo nên hành lang kinh tế nối cảng Cái Mép-Thị Vải với sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và các khu du lịch ven biển, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực và có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.
Nhiều công trình lớn đi vào hoạt động
Cảng cạn Phú Mỹ nằm trong Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ có diện tích khoảng 38 ha, tổng mức đầu tư là hơn 2.992 tỷ đồng, chia làm hai phân kỳ đầu tư.
Trong đó phân kỳ 1 là 15ha đã được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở cảng cạn tháng 8/2023; Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm thông quan hàng hóa.
Cảng nằm trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tiếp giáp với sông Mỏ Nhát là tuyến vận tải thủy nội địa kết nối với vịnh Gành Rái, khu vực TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn là Campuchia. Một mặt cảng tiếp giáp với đường Phước Hòa-Cái Mép, kết nối thuận lợi với đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải; cao tốc Bến Lức-Long Thành; Quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường hàng không, đường sắt trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình-Phú Mỹ cho biết, cảng cạn Phú Mỹ là mảnh ghép để hoàn thiện hạ tầng “mềm” cho KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Quan trọng nhất là để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và để tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp. Ngày 28/10, cảng cạn này chính thức đi vào hoạt động. Đây là hệ thống cảng cạn đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 tại khu vực phía nam.
Một ngày sau, tức ngày 29/10, công trình công nghiệp dầu khí cấp đặc biệt - Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải sau 4 năm đầu tư xây dựng cũng đã đi vào hoạt động. Đây được cho là công trình LNG “lịch sử” đầu tiên, lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam với bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT; bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm, giai đoạn 2 dự kiến nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, Kho LNG 1 MMPTA Thị Vải của PV GAS là sự hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; trong đó, đối với ngành công nghiệp khí, Nghị quyết nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia. Kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải khi đi vào hoạt động có thể bổ sung, cung cấp thêm khoảng 1 triệu tấn khí hằng năm từ nguồn nhập khẩu, ngoài nguồn khí nội địa đang khai thác.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, việc hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Kho khí hóa lỏng (LNG) Thị Vải là hạng mục quan trọng góp phần giúp chúng ta thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Trong tháng 11/2023, Tổ hợp Hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam sẽ tiến hành chạy thử. Theo chủ đầu tư Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn-LSP), đây là dự án đầu tư quan trọng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,1 tỷ USD.
Khi tổ hợp đi vào hoạt động ổn định, LSP sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin, đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa được ứng dụng trong cuộc sống, giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nhựa trong nước.
Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (thuộc Tập đoàn SCG) cho biết, từ khi khởi công xây dựng dự án đến năm 2023, công ty đã nộp 140 triệu USD tiền thuế cho ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo lộ trình, toàn hệ thống sẽ vận hành thương mại năm 2024, khi đó sẽ có doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD và mỗi năm dự án sẽ đóng 150 triệu USD tiền thuế; đồng thời, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn, có sức lan tỏa mạnh, nhất là các dự án xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
“Việc các dự án trọng điểm, mang tầm cỡ quốc gia và khu vực cùng đi vào hoạt động sẽ tạo cho Bà Rịa-Vũng Tàu những xung lực mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2035 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nền kinh tế hiện đại, mức sống dân cư cao, xã hội ổn định, văn minh, bền vững”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.