Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực giải ngân vốn đầu tư

Theo kế hoạch, đến hết ngày 31/1/2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ giải ngân được hơn 13.970 tỷ đồng, đạt 95,12%. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ và chính quyền địa phương nhằm nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường 991B, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đang được các nhà thầu tập trung thi công nhằm bảo đảm tiến độ đề ra.
Dự án đường 991B, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đang được các nhà thầu tập trung thi công nhằm bảo đảm tiến độ đề ra.

Nhiều tháng trước đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương vẫn rất chậm và năm 2021 chỉ đạt hơn 80%.

Nhiều khó khăn, tồn tại

Qua khảo sát, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư công, đó là công tác giải phóng mặt bằng chậm; nguồn cung nguyên, vật liệu, vật tư, thiết bị không liên tục, đầy đủ; giá cả vật tư, nguyên nhiên liệu tăng. Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thiết kế nên phải điều chỉnh…, dẫn đến chậm trễ, kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Vũ Hồng Thuấn cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư công là do thiếu đất tái định cư, đất ở để giao đất cho các hộ dân đủ điều kiện.

Ngoài ra, các dự án như: Khu tái định cư Tây Bắc A III, khu tái định cư Thắng Nhất… đã triển khai thi công nhưng do chưa có chủ trương giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc hỗ trợ về đất, hỗ trợ giao đất ở mới nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Anh Tú, một số đơn vị không nắm chắc các thủ tục pháp lý về đầu tư công; chưa phối hợp đồng bộ trong việc thi công hạ tầng giao thông… cũng khiến việc triển khai các dự án đầu tư công bị chậm trễ.

Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân khách quan khiến các dự án đầu tư không đạt tiến độ đề ra, như: vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; vướng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do phát sinh khiếu nại, khiếu kiện…

Thực tế, tính đến đầu tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh mới đạt hơn 15,4% kế hoạch.

Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực giải ngân vốn đầu tư ảnh 1

Dự án đường 991B đang được các nhà thầu tập trung thi công nhằm bảo đảm tiến độ đề ra.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Linh cho biết, để nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vướng mắc, kịp thời hoàn thành các dự án và kế hoạch giải ngân vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng văn bản chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá lại các dự án được giao quản lý, đặc biệt là các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp.

Sở cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, báo cáo lãnh đạo tỉnh kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý. Đồng thời phải thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ triển khai. Trường hợp dự án không thực hiện đúng tiến độ sẽ đề xuất điều chuyển nội bộ vốn cho dự án có tiến độ triển khai nhanh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị như: Đất Đỏ, Long Điền, Ban Quản lý dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh… đã tập trung tối đa thực hiện các công trình, dự án; thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là tập trung vào các công trình chuyển tiếp...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Linh khẳng định, năm 2022, tổng vốn đầu tư công được giao của tỉnh là hơn 14.686 tỷ đồng.

Dự kiến, đến hết ngày 31/1/2023, tỉnh sẽ giải ngân hơn 13.970 tỷ đồng, đạt 95,12%, trở thành một trong những địa phương tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.