ASEAN cần một chiến lược phối hợp trong sản xuất lương thực

Theo trang tin Thai PBS World, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng hơn tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa trên cánh đồng huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Minh Anh)
Thu hoạch lúa trên cánh đồng huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Minh Anh)

Cuộc khủng hoảng hiện nay làm bộc lộ sự phụ thuộc của nhiều nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào lương thực và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, cũng như cho thấy các nước khu vực này đang thiếu một chiến lược phối hợp trong sản xuất lương thực.

ASEAN cần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những biến động thị trường toàn cầu đối với an ninh lương thực của khu vực.

Ban Thư ký ASEAN ước tính trong năm 2020 ASEAN đã nhập khẩu 61 tỷ USD nông sản từ bên ngoài khối. Sản xuất đậu tương tại ASEAN đáp ứng chưa đến 1/10 nhu cầu mặt hàng này của khối. ASEAN chiếm 15% nhập khẩu lúa mì toàn cầu trong năm 2021. Nhập khẩu lúa mì vượt sản lượng trong ASEAN với tỷ lệ khổng lồ 244:1.

Bài viết trên Thai PBS World cho rằng các nước ASEAN cần phải làm việc cùng nhau và phát triển một chiến lược phối hợp để giảm sự phụ thuộc của khu vực vào nhập khẩu lương thực.

Tăng sản lượng gạo có thể cho phép khu vực này trở thành nhà xuất khẩu gạo ròng. Tăng sản lượng sẽ đòi hỏi sự kết hợp của công nghệ mới, bao gồm chuyển đổi sang trồng lúa cải tiến bằng công nghệ sinh học, tăng năng suất của các giống lúa ưa thích, cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu vào và cải thiện kỹ năng quản lý nông hộ nhỏ.

Tuy nhiên, diện tích canh tác mở rộng do nhu cầu tăng sản lượng lúa đã làm dấy lên lo ngại về tác động môi trường. Đất trồng lúa là nguồn phát thải khí methane lớn nhất trong khối ASEAN. Các nhà hoạch định chính sách phải cân bằng nhu cầu giảm sự ấm lên toàn cầu với tăng sản lượng gạo.

Đất trồng đậu tương và lúa mì tại ASEAN vẫn tương đối khiêm tốn, khiến khoảng cách giữa sản xuất và nhập khẩu rất lớn. Việc tăng diện tích và sản lượng cây trồng sẽ đòi hỏi một chiến lược phối hợp. Cần phải có sự đầu tư đáng kể vào nghiên cứu phát triển giống lúa mì và đậu tương nhiệt đới, bao gồm cả chọn giống và quản lý dịch bệnh hại cây trồng. Các giống đậu tương và lúa mì mới cần được cung cấp nhanh chóng bằng cách thực hiện công nghệ nhân giống cải tiến và cải thiện việc quản lý dịch hại.

Bài viết khẳng định một sáng kiến toàn ASEAN với nguồn lực tốt có thể tăng khả năng phục hồi nguồn cung lúa mì, đậu tương và ngô của khu vực. Điều này sẽ cho phép ASEAN tận dụng đa dạng sinh học và các loại cây bản địa chưa được sử dụng để giảm sự phụ thuộc vào các loại cây lương thực và thực phẩm nhập khẩu.