ASEAN gắn kết vì hòa bình và phát triển

Ngày 8/8/1967 đánh dấu sự ra đời Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khởi đầu tiến trình liên kết sâu rộng vì hòa bình và phát triển ở khu vực. Trên chặng đường phát triển của Hiệp hội, Việt Nam tích cực đóng góp cùng các nước thành viên đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực thành công, là ngôi nhà chung gắn kết 10 quốc gia cùng xây dựng cộng đồng, giữ vai trò trung tâm trong các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ các nước thành viên ASEAN tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Ảnh trong bài: TRẦN SƠN
Cờ các nước thành viên ASEAN tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Ảnh trong bài: TRẦN SƠN

ASEAN xây dựng cộng đồng thống nhất trong đa dạng

Sự ra đời của ASEAN cách đây 55 năm phản ánh nguyện vọng chung của nhiều quốc gia Đông Nam Á về hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. Vượt qua nhiều thách thức trong bối cảnh thế giới và khu vực biến chuyển không ngừng, ASEAN ngày càng phát triển và hoàn thiện. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 vừa diễn ra tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu rõ: Trong 55 năm phát triển vừa qua, ASEAN đã đạt được những thành tựu hơn cả kỳ vọng, đưa Đông Nam Á từ khu vực của đối đầu, bất đồng và nghi kỵ trở thành khu vực của hợp tác, phát triển và tin cậy.

Trong những thành công quan trọng của ASEAN, nổi bật nhất là việc Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 31/12/2015, đưa ASEAN từ Hiệp hội trở thành Cộng đồng gắn kết trong bản sắc và tầm nhìn chung. Việc Cộng đồng ASEAN được hình thành, với ba trụ cột chính gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội, đã nâng tầm tiến trình hợp tác và liên kết khu vực.

Được xây dựng trên nền tảng Hiến chương ASEAN, Cộng đồng ASEAN là tổ chức hợp tác liên chính phủ thống nhất trong đa dạng, có mức độ ràng buộc pháp lý cao, nhưng không phải là tổ chức "siêu quốc gia". Các trụ cột hợp tác đan xen, hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.

Trong suốt chặng đường phát triển hơn nửa thế kỷ, ASEAN đã có nhiều đóng góp nổi bật đối với hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Đóng góp quan trọng nhất là tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh ổn định ở Đông Nam Á, cũng như giữa các nước thành viên.

ASEAN đã giúp xóa bỏ hình ảnh Đông Nam Á là khu vực của chiến tranh và nghi kỵ giữa các quốc gia. Môi trường khu vực không có chiến tranh hay xung đột lớn trong quan hệ liên quốc gia đã tạo không gian và cơ hội để các nước thành viên tập trung phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc gia và Hiệp hội.

Điểm sáng thành công nữa của ASEAN là thành tựu phát triển kinh tế. Thông qua các mối liên kết kinh tế nội khối và với bên ngoài ngày càng sâu rộng, ASEAN đã tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, có mức độ liên kết sâu. ASEAN trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 5 và điểm thu hút đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 thế giới.

Thời điểm trước đại dịch Covid-19, ASEAN được đánh giá là khu vực phát triển năng động, với tổng GDP đạt 3.300 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 5,5%/năm. Tăng trưởng kinh tế cao và liên tục đã giúp nâng mức sống của người dân khu vực.

Trong quan hệ đối ngoại, vị thế của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới liên tục được nâng lên. Đến nay, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) của ASEAN đã có 43 quốc gia, thực thể tham gia và tiếp tục được mở rộng. Hiện ASEAN thiết lập quan hệ với 11 đối tác đối thoại, trong đó có hai đối tác chiến lược toàn diện và tám đối tác chiến lược...

Vai trò của ASEAN luôn được coi trọng và đánh giá cao; các đối tác ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong các tiến trình đối thoại, cơ chế hợp tác và cấu trúc đang định hình trong khu vực. Đặc biệt, trong hơn hai năm đại dịch hoành hành, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò vừa là một tổ chức khu vực, vừa là một cộng đồng gắn kết, đùm bọc trong việc phối hợp ứng phó Covid-19.

ASEAN gắn kết vì hòa bình và phát triển ảnh 1
Lễ kéo cờ và kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei).

Việt Nam đồng hành, đóng góp tích cực và hiệu quả

Năm 2022 ghi mốc kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, đồng thời đánh dấu chặng đường 27 năm Việt Nam tham gia, hợp tác và đồng hành cùng sự phát triển của Hiệp hội. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Quyết định gia nhập ASEAN là một quyết định mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam, góp phần tạo nên cục diện mới về hội nhập khu vực và quốc tế, củng cố môi trường hòa bình và ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, ASEAN luôn giữ vị trí hàng đầu và trở thành bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, trong chặng đường 27 năm đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ thành viên, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng và hiệu quả đối với tiến trình liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như nâng cao vị thế của Hiệp hội.

Trước hết, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp Hiệp hội lớn mạnh, cả về quy mô và tiềm lực, đưa ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, loại bỏ nghi kỵ, chia rẽ, mở ra giai đoạn phát triển mới, gắn kết và ổn định. Việt Nam đi đầu nhóm các nước gia nhập muộn hơn, song với tốc độ phát triển và năng lực hội nhập cao, cùng tiến độ hội nhập nhanh và sâu vào tiến trình liên kết của ASEAN, Việt Nam đã giúp ASEAN nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên.

Việt Nam cũng tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, nhất là Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025... Đảm nhiệm những trọng trách lớn của Hiệp hội, nhất là hai lần giữ cương vị Chủ tịch ASEAN vào các năm 2010 và 2020, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh đoàn kết, năng lực lãnh đạo quyết đoán và hiệu quả, thúc đẩy tất cả các nước thực hiện các mục tiêu ưu tiên về xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Không chỉ đóng góp thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối, Việt Nam cũng quan tâm và có nhiều sáng kiến mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN, nâng cao vị thế quốc tế và phát huy tiếng nói của Hiệp hội tại các diễn đàn đa phương. Nhiều bước đi của ASEAN mở rộng và nâng cấp quan hệ với các đối tác xuất phát từ sáng kiến hay có sự đóng góp quan trọng của Việt Nam.

Một trong những thành công nổi bật của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là thúc đẩy kết nối và phối hợp giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, nhất là với ASEAN.

Trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhấn mạnh: Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-ASEAN và Nhật Bản đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam, nhất là trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021.