Các nền kinh tế thành viên APEC nhóm họp trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu bấp bênh và lạm phát kéo dài cản trở sự phục hồi của kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19. Chủ trì cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 13 về y tế và kinh tế, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra (H.Be-ke-ra) nhấn mạnh, nếu không có nguồn tài chính bền vững thì không thể bảo đảm hệ thống y tế ổn định và công bằng. Chi tiêu trung bình cho y tế của các thành viên APEC vẫn ở mức dưới 5% GDP trong hơn 20 năm qua.
Trong khi đó, gần 1/5 người dân trong khu vực có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực khi gánh nặng chi tiêu cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe gia tăng. Trong bối cảnh này, các thành viên APEC nhắc lại cam kết củng cố các hệ thống y tế của khu vực nhằm chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trước các đại dịch và tình trạng y tế khẩn cấp trong tương lai thông qua bảo đảm nguồn lực tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số. Các thành viên APEC cũng đang nỗ lực tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào y tế công cộng.
Trong vài năm qua, nhiều thiên tai, như động đất, hạn hán, cháy rừng..., đã gây ra những thiệt hại nặng nề với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ðối mặt các mối đe dọa với tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của khu vực, các nền thành viên APEC cần tăng cường hành động tập thể.
Tại Diễn đàn quan chức cấp cao về quản lý thiên tai, đại diện các thành viên APEC cho biết đang đẩy nhanh việc triển khai các hệ thống cảnh báo sớm nhằm tăng cường quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong khu vực. Theo APEC, một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả là phải thông tin kịp thời và chính xác đến cả những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nguy cơ mất an ninh lương thực trên thế giới gia tăng do những tác động từ xung đột và biến đổi khí hậu làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng. Trong khi đó, dân số vẫn ngày một tăng mà nguồn tài chính của các thành viên lại hạn chế. Do đó, các nền kinh tế thành viên APEC đang nỗ lực tìm cách tăng năng suất của ngành nông nghiệp thông qua canh tác bền vững và đổi mới công nghệ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng An ninh lương thực APEC lần thứ 8, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack (T.Viu-xắc) nhấn mạnh các yếu tố sẵn có, dễ tiếp cận, ổn định và giá cả phải chăng trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Ông T.Vilsack cho rằng cần thúc đẩy đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu tác động với môi trường bởi sẽ phải tăng cường sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu lương thực hiện tại và trong tương lai.
Chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC lần thứ 13, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm (G.Gran-hôm) đánh giá cao những tiến bộ mà các nền kinh tế thành viên đã đạt được trong những năm qua. Bà Jennifer Granholm cho biết, các thành viên APEC đáp ứng được khoảng 58% nguồn cung năng lượng và 68% sản lượng điện toàn cầu.
Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và thị trường năng lượng đầy biến động, bà J.Granholm khuyến khích các thành viên APEC thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho rằng, sự đồng hành của các thành viên APEC có thể biến những thách thức phải đối mặt thành cơ hội.
Kéo dài hơn ba tuần, các hội nghị diễn ra tại thành phố Seattle góp phần thúc đẩy các ưu tiên phát triển kinh tế của các thành viên APEC gắn với quản lý rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực, y tế, năng lượng... Những nội dung được thảo luận, nhất trí tại các hội nghị là cơ sở để tìm ra những đòn bẩy cho sự tăng trưởng bền vững và toàn diện của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.