Từ một chuyến đi Peru
Hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams sau chuyến công tác ở Peru, khi có dịp tiếp xúc với lịch sử của người Inca, đã luôn thắc mắc: Tại sao một đế chế tồn tại trong gần 100 năm (1438-1533) lại nhanh chóng sụp đổ khi đang ở thời kỳ hưng thịnh nhất? Quá trình đi tìm câu trả lời chính là cơ duyên để cuốn sách "Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại" ra đời, mà ở đó, có sự liên tưởng nhất định giữa việc quản trị quốc gia với quản trị doanh nghiệp.
Ở thời kỳ hoàng kim, những người đứng đầu Inca đã gây dựng được một đế chế rộng hơn 5.000km dọc theo dãy Andes, tính từ nơi hiện giờ là Ecuador ở phía bắc cho đến Chile ở phía nam, với hơn 200 dân tộc sinh sống.
(Ảnh: TanVietBooks) |
Tuy nhiên, sau gần một thế kỷ hưng thịnh, mâu thuẫn nội tại đã đẩy nền văn minh Inca đến bờ vực diệt vong. Chu kỳ hưng thịnh rồi suy thoái của Inca lặp lại trong rất nhiều mô hình quản trị doanh nghiệp.
Hàng loạt những tổ chức/doanh nghiệp từng có thời gian làm mưa làm gió, thống lĩnh thị trường như Kodak, Daimler, AOL, Pan Am, Woolworth… lại nhanh chóng bị tụt hậu sau những cú nhảy vọt về công nghệ nảy sinh xu hướng tiêu dùng mới. Thậm chí có những thương hiệu bị xóa sổ hoàn toàn vì rơi vào bẫy ảo tưởng sức mạnh bất khả chiến bại.
Andreas Krebs chia sẻ: “Tôi rất ít đi công tác ở Peru, đúng hơn mới chỉ tới đó một lần, nhưng chuyến đi đã thắp lên trong tôi ngọn lửa đầy nhiệt huyết, thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Cuốn sách không viết về đế chế Inca, nhưng nếu không có nền văn minh này, cuốn sách cũng không thể ra đời. Cuốn sách đề cập đến năng lực lãnh đạo hiệu quả, sự tự quản, trung thực và nhạy bén, những tầm nhìn truyền cảm hứng, quy trình tuyển chọn nhân sự chất lượng cao… Những tìm hiểu ở đế chế Inca giúp chúng tôi tìm được điểm tương đồng trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các doanh nhân nên lạc quan sau đại dịch, không quên những bài học về rủi ro, thất bại”.
Những tìm hiểu ở đế chế Inca giúp chúng tôi tìm được điểm tương đồng trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các doanh nhân nên lạc quan sau đại dịch, không quên những bài học về rủi ro, thất bại.
- Andreas Krebs -
Đế chế Inca đã cung cấp cơ sở vững chắc trong suốt quá trình nhóm tác giả viết cuốn sách này.
Cái nhìn sâu sắc về câu chuyện thành công của các doanh nghiệp
Trong hành trình phát triển, rất nhiều doanh nghiệp chủ quan, mất đoàn kết, thiếu tầm nhìn ngay khi họ đang ở trên đỉnh vinh quang. Hãy theo dõi bảng xếp hạng Fortune 500, Eurostoxx, DAX hoặc các doanh nghiệp gia đình, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng hiếm khi các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, có thể liên tục duy trì thứ hạng cao trong một vài thập kỷ. Phải chăng trong thành công luôn tiềm tàng nguy cơ suy thoái, cái gì đã đi lên thì ắt sẽ đi xuống.
Cuốn sách khẳng định, những khoảnh khắc đứng ở vị trí vinh quang tột đỉnh thì cũng chính là thời điểm những doanh nghiệp này nhạy cảm nhất, dễ bị tổn thương nhất. Có lẽ chính ảo tưởng của sự bất khả chiến bại đã dự báo trước một thất bại chóng vánh cho doanh nghiệp của họ.
Áp lực của thành công và duy trì thành công là một thứ siêu áp lực.
Lãnh đạo phải luôn cảnh giác cao độ. Điều duy nhất ta có thể chắc chắn đó là không có sự chắc chắn nào cả. Áp lực của thành công và duy trì thành công là một thứ siêu áp lực. Đây là những lời khuyên dày đặc trong cuốn sách, nó thức tỉnh những người nắm quyền cao nhất trong doanh nghiệp về một thế giới biến động mạnh và chuyển động nhanh.
Hay Jeff Bezos – CEO của Amazon đã phát biểu rằng: “Amazon chưa phải là một doanh nghiệp quá lớn và chưa đến lúc sụp đổ. Tuy nhiên, tôi đã đoán trước rằng một ngày nào đó Amazon sẽ thất thế. Amazon rồi cũng sẽ phá sản. Hiện tại, công việc của chúng tôi là trì hoãn quá trình đó càng lâu càng tốt”.
Nhưng như vậy thì đọc Ảo tưởng về sự bất khả chiến bại có bị “căng thẳng” quá không? Giải pháp ở đây là gì? Các tác giả dẫn chứng nghiên cứu của hai giảng viên Đại học Geneva là Gilbert Probst và Sebastian Raisch chỉ ra 4 đặc điểm của những doanh nghiệp thành công bền vững là:
Văn hóa kinh doanh dựa trên hiệu suất
Tăng trưởng mạnh
Sẵn sàng đón nhận những thay đổi liên tục
Lãnh đạo có tầm nhìn và chiến lược
Điều thú vị là, có tới 70% các doanh nghiệp thất bại đều thể hiện cả bốn đặc tính này theo cách cực đoan. Những doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề do tăng trưởng quá nhanh, quá trình thay đổi vội vàng, CEO chuyên quyền và cố chấp, nền văn hóa dựa trên hiệu suất bị thổi phồng quá mức…
Sự suy thoái có logic riêng của nó. Và thuật ngữ “lão hóa nhanh” phản ánh tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ mới, sản phẩm mới trong thế giới VUCA. Khoảnh khắc có được sức mạnh và thành công tột độ cũng chính là khoảnh khắc ta dễ bị đánh bại nhất. Hãy học cách phân tích những điểm yếu của bản thân nhất là khi bạn bắt đầu tin vào sự bất khả chiến bại của chính mình.
Đọc hết 8 chương của cuốn sách Ảo tưởng về sự bất khả chiến bại, chắc chắn bạn đọc sẽ nhạy cảm hơn trước những cám dỗ của các mục tiêu vị kỷ, các giá trị vô nghĩa và sai lầm, những cuộc chiến dai dẳng không truyền cảm hứng được cho bất cứ ai… Tóm lại cuốn sách này giúp bạn miễn nhiễm trước ảo tưởng của sự bất khả chiến bại và từ đó tăng sức chiến đấu cho doanh nghiệp của bạn.
Ảo tưởng về sự bất khả chiến bại thể hiện cái nhìn thông minh, hài hước và cấp tiến về cách xây dựng cũng như duy trì một doanh nghiệp bền vững. Cuốn sách có nhiều tri thức mới cho các nhà lãnh đạo trẻ tuổi cũng như cả các giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm, rất phù hợp với bối cảnh đầy biến động hiện nay.
Andreas Krebs là một nhà quản lý chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực quản lý ở các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời ông cũng là một diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo, toàn cầu hóa và quan hệ công chúng. Ngoài ra, Andreas còn sở hữu một công ty có vốn đầu tư mạo hiểm là Longfield Invest, tập trung chủ yếu vào những dự án non trẻ và những công ty phát triển trong nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.
Paul Williams là nhà quản lý, huấn luyện viên điều hành, đồng thời là doanh nhân có kinh nghiệm quốc tế. Từ năm 2003, ông trở thành đối tác của Công ty tư vấn Paul Williams & Associates, chuyên về huấn luyện lãnh đạo, quản lý bản thân và phát triển tổ chức.