Chương trình do Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long và tạp chí Tinh hoa Đất Việt thực hiện, mang chủ đề “Thế giới trong áo dài Việt”, sẽ diễn ra ngày 9-4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Điểm độc đáo nhất của chương trình, ngoài những bộ sưu tập mang dấu ấn văn hóa 15 quốc gia trên thế giới, còn là sự góp mặt của tám phu nhân các đại sứ nước ngoài tại Việt Nam như Italy, Belarus, Ấn Độ, Lào, Mozambique…, cùng các NSND Thanh Tú, Trà Giang, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Lan Hương (phim “Em bé Hà Nội”)…, cùng 100 học viên của Học viện Phụ nữ 40 thiếu nhi của đội trống Thiếu nhi Hà Nội, cùng 90 người mẫu của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
15 nhà thiết kế sẽ đem đến cho khán giả những sắc màu văn hóa khác nhau của 15 nền văn hóa thể hiện trên tà áo dài. Nhà thiết kế Huệ Thi (Cần Thơ) mang đến bộ sưu tập đậm chất Việt Nam, và vẫn như phong cách thường thấy của chị, trung thành với những chất liệu tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ là lãnh Mỹ A và họa tiết khăn rằn. Nhà thiết kế Trung Beret (Đak Lak) sử dụng các họa tiết trang trí trên đền chùa, trên Khải Hoàn Môn đưa vào thiết kế của mình.
Nhà thiết kế Trần Thanh Mẫn (Huế) sử dụng các họa tiết thể hiện tính hoàng gia sang trọng của Thái Lan. Cũng lấy ý tưởng từ các công trình kiến trúc, nhà thiết kế Cao Duy đưa hình ảnh các cung điện trong Tử Cấm Thành (Bắc Kinh) lên tà áo. Nhà thiết kế Ngọc Hân cũng chung ý tưởng từ hoàng gia khi đưa các hoa văn cung đình vào bộ sưu tập của mình.
Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh (Huế) thể hiện phong cách Hàn Quốc qua hình ảnh cô gái mặc trang phục Hanbok, còn nhà thiết kế Hà Duy tạo ra bộ sưu tập mang dáng dấp và màu sắc của hoa anh đào Nhật Bản, cùng hình ảnh thiếu nữ Nhật Bản và các công trình kiến trúc tiêu biểu của đất nước mặt trời mọc.
Các nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, Lan Hương, Công Huân, Cao Minh Tiến, Thanh Thúy, Phương Thanh kể những câu chuyện văn hóa châu Âu thông qua những vẻ đẹp phóng khoáng của vùng đất này. Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy sử dụng họa tiết những cây cột trong các ngôi đền cổ và tháp nghiêng Pisa để nói lên hình ảnh đất nước Hy Lạp. Nhà thiết kế Công Huân lại sử dụng chất liệu đặc trưng của văn hóa Mỹ là jean để thể hiện vẻ đẹp khỏe khoắn, năng động nhưng vẫn hết sức nữ tính qua tà áo dài cách điệu.
Còn nhà thiết kế Cao Minh Tiến, bên cạnh việc sử dụng hai màu đỏ đen và những họa tiết gợi hình ảnh tháp Eiffel, anh còn đưa ngôn ngữ vào trang trí cho tà áo dài tạo nên điểm nhấn đặc biệt. Vẻ đẹp lãng mạn của nước Ý qua hình ảnh thành phố Venice cổ kính soi bóng trên mặt nước được nhà thiết kế Thanh Thúy sử dụng để đưa vào tác phẩm của mình. Một trong những biểu trưng của đất nước Hà Lan là hoa tulip đã được nhà thiết kế Phương Thanh thể hiện trên tác phẩm của mình với sắc màu rực rỡ, trẻ trung và phóng khoáng.
Chula, nhà thiết kế đến từ Tây Ban Nha giới thiệu vẻ đẹp quê hương mình qua hình ảnh cây đàn guitare, điệu nhảy flamingo cùng những tòa tháp cao và họa tiết mosaic. Cuối cùng, nhà thiết kế Minh Hạnh, người đồng hành và dành nhiều tâm sức cho hành trình đến với danh hiệu Di sản của áo dài Việt, đem đến hình ảnh hoa cỏ mùa xuân rực rỡ của nước Nga trên tác phẩm của mình.
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, ở lần trình diễn này, toàn bộ các thiết kế đều sử dụng chất liệu hoàn toàn của Việt Nam như lụa, vải gai - một chất liệu truyền thống đã bị lãng quên nhiều năm và được làm sống lại… Gai và lụa cùng kết hợp với nhau trong trang phục truyền thống, và đây cũng là lần đầu tiên vải gai AP được xử lý không còn độ thô cứng, xù xì như thường thấy mà đã trở nên thanh thoát, mỏng nhẹ cho phù hợp với trang phục như áo dài. Nhà tạo mẫu Minh Hạnh cho biết, mong muốn của chị là sẽ có trang phục áo dài được tạo nên từ gai dệt chung với lụa, một ý tưởng độc đáo nhưng cũng hết sức thú vị.
Trong hành trình đưa áo dài trở thành di sản, nhà tạo mẫu Minh Hạnh cho biết, mục tiêu của chị là sẽ có được 100 bộ sưu tập về 100 nước trên thế giới, và đây là 15 bộ đầu tiên. Những bộ sưu tập này sẽ được trao tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Nhưng điều quan trọng nhất, theo như nhà tạo mẫu Minh Hạnh chia sẻ, là sự khẳng định chủ quyền qua trang phục áo dài truyền thống, và qua chất liệu truyền thống. “Đó là chủ quyền văn hóa của chúng ta, không gì thay đổi được và hoàn toàn dễ dàng nhận ra dù ở bất kỳ đâu” - chị nói.