Căn nhà nhỏ cấp bốn lọt thỏm trong một xóm lao động nghèo và dù thời gian có trôi qua trên mái nhà, khi các tòa nhà cao tầng bắt đầu mọc lên chung quanh thì dường như chỉ có căn nhà của tôi vẫn thế.
Tết năm nào tôi cũng xin nghỉ ít ngày để về quê. Nhưng dịch bệnh cũng như công việc trở nên bận rộn, cuộc điện thoại kề Tết của tôi lại là: Năm nay con không về được, sau Tết nếu rỗi con về phép - Thế bây trên đó đã có gì ăn Tết chưa? Má gửi ít kiệu lên cho bây nha?
Tôi khẽ bật cười, như có gì đó chợt ùa về trong tâm trí, lại có gì đó như mùi cay nồng của kiệu làm tôi chợt có đôi dòng lệ nơi khóe mi. Đạp xe trong vô thức giữa phố phường, hình ảnh Tết ngập tràn trong những chiếc ba-lô, những con người xa quê leo lên những chuyến xe cuối, những vuông cây được chia ô để những nhà còn lại nơi phố thị mua sắm quất, đào… Tôi tìm cho mình một chậu ớt kiểng nhỏ để chưng cho căn phòng được thêm mùi Tết, lại để lạc tâm trí thoáng nhớ về khoảnh sân nhỏ quê nhà với những chậu mai, chậu tắc được ba dồn sức uốn cong. Tạt mua ít bánh chưng, bánh tét gửi về quê, tôi cũng mua cho mình một hũ kiệu nhỏ, lòng bỗng nghe bồi hồi.
Tết ở xóm tôi mỗi năm đều có nấu bánh chưng, bánh tét, nhưng là nấu tại một nhà. Xóm lao động nghèo không dư dả để mỗi nhà sắm được một nồi bánh, nên mỗi năm sẽ luân phiên một nhà nấu, các loại nguyên liệu như gạo nếp, thịt thà sẽ được cả xóm góp mua chung, sau đó sẽ cùng đưa về một nhà, nấu một nồi lớn, đến khi bánh chín sẽ bắt đầu chia mỗi nhà ít nhất một đòn.
Tết năm nào nhà tôi cũng tự tay làm củ kiệu. Má hay bảo tôi nếu muốn ngâm được kiệu ngon thì phải chọn kiệu quế, là loại củ khá to, rễ nhiều, lá mảnh và đầu thân rõ ràng sẽ rất đẹp sau khi được ngâm xong: Sau khi sơ chế rễ và lột vỏ, con nhớ phải ngâm nước muối trong ít nhất tám tiếng để rửa sạch cũng như khử bớt độ hăng của kiệu.
Có năm Tết mà con nước về, căn nhà nhỏ của tôi bị dột đủ đường. Không hiểu sao mùa mưa đến ngột, những thau kiệu như hứng mình cả những giọt mưa. Má sợ nước mưa rơi làm loãng những thau kiệu, lại cùng ba khiêng đặt bên này bên kia để đứa con thơ ngồi trên giường cười khề khà khi nhìn thấy cảnh ấy… Nhà của tôi vốn nền khá thấp, lại sát núi nên khi mưa về, không chỉ nước dễ dâng do không thoát kịp mà nước trên núi còn chảy xuống nên dễ dâng nhanh, có những năm mưa to, cả nhà tôi mang ủng đi trong nhà vì nhà ngập nước đến nửa bắp chân, bắc thêm cái ghế đẩu, rồi cả nhà lại oằn mình bên những thau kiệu, nhưng cảm giác ấy lại rất lạ và tươi mới, mùi kiệu nồng hăng lên đã thấy không khí Tết đang về rồi.
Làm kiệu cũng lắm công phu, má vẫn hay dặn tôi sau khi ngâm nước muối xong lại phải rửa thật sạch nhiều lần với nước, rồi tới công đoạn lột vỏ và cắt rễ. Má thường chừa cho tôi một cái thau nhỏ kiệu, nói là thau nhưng nhỏ như một cái tô với một ít kiệu vì tôi cứ hay giành làm nhưng lúc nào làm kiệu cũng lỗi: Con phải cắt rễ nhưng nên chừa lại một ít, nhưng đừng cắt phạm quá nhiều vào phần thịt nếu không khi ngâm sẽ bị mềm.
Tôi còn nhớ tôi thích đến dường nào khi được lẫm chẫm theo ba khiêng những nia kiệu đã cắt rửa gọn gàng đem đi phơi cho ráo nước, cảm giác mang tính thành tựu khi mình cũng góp phần vào một món ăn đơn sơ. Sau đó, ướp đường, làm giấm và trút vào hũ thủy tinh, cứ một lớp kiệu là một lớp mỏng đường. Có những năm, nhà tôi làm nhiều thì còn đem đi chia thêm cho cả xóm.
Có năm khi nhìn những hũ kiệu đẹp đẽ đủ mầu sắc được người ta bày bán, tôi đã không cầm lòng được mua về. Dường như ba má không được vui nhưng không nói, sau má mới thỏ thẻ với tôi: Ba bây nói muốn được tự tay làm kiệu cho bây ăn, với lại không muốn bây tốn tiền, để tiền mà tiêu chứ ở trên phố đồ đạc này kia nó đắt.
Tiếng điện thoại chợt reo lên, đầu dây bên kia tiếng má tôi: Ba mới mua kiệu về để làm cho bây, ngâm một hai hôm rồi kịp gửi xe lên phố cho bây ăn Tết. Đột nhiên, tôi chợt nhẹ nhàng: Má nói ba đợi con về rồi làm, con đang xếp đồ, mai con sẽ về quê, cả nhà mình lại cùng làm kiệu.