Anh Sáu Dân với báo "Công giáo và dân tộc"

NDO - Cũng như mọi năm, đến hẹn lại lên..., tôi được yêu cầu viết bài để kỷ niệm ngày thành lập của báo Công giáo và dân tộc. Nhưng thú thật, viết mãi về một đề tài thật khó khăn. Tôi đang phân vân không biết viết gì, thì tin anh Sáu Dân qua đời khiến tôi bỗng nhớ tới kỷ niệm ngày anh đến thăm toà soạn báo Công giáo và dân tộc, ý muốn viết vài dòng về mối quan hệ giữa tờ báo với anh, người luôn luôn có quan hệ thân tình với chúng tôi đã thôi thúc tôi cầm bút.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp mặt đại biểu các gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong cả nước (5/2/1994). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp mặt đại biểu các gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong cả nước (5/2/1994). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Đã hẳn, anh là người của cả nước, cả dân, người của mọi tờ báo khác, chứ không riêng gì tờ báo chúng tôi. Nhưng dù thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng không quên rằng báo Công giáo và dân tộc cũng đã ra đời dưới thời anh làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh thường xuyên đọc báo Công giáo và dân tộc, bằng chứng là một lần đi dự liên hoan tất niên ở Hội trường Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa gặp tôi anh đã nhắc tới tên bài báo tôi vừa viết: Mọi con đường đều đưa tới Rôma, bài viết chào đón trước cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo hoàng Biển Đức (Bênêđitô XVI) với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhớ lần anh đến thăm tờ báo, tôi không nhớ rõ chính xác ngày tháng năm nào, chỉ nhớ đó là một buổi chiều tối, vào thời điểm sau cái chết của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, một người mà anh rất quý mến. Anh vừa vào tới phòng họp, thì ngồi xuống ghế và nói: "Nhớ cụ Bình?".

Rồi anh bắt đầu kể lại cho chúng tôi nghe những khó khăn mà anh phải đối phó, khi còn là lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là thời bao cấp. Anh nói: "Hồi ấy Nhà nước cái gì cũng muốn nắm với bắt, nhưng có cái gì đâu mà nắm với bắt! Kỳ cục! Tôi phải chạy tới chạy lui ra ngoại thành, đi về các tỉnh miền Tây, để chạy gạo, chạy thịt cho dân. Người ta gọi tôi là "Chủ tịch heo"! Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng vào Thành phố hỏi: "Chủ tịch đâu? người ta trả lời: "Đi chạy gạo". Với chủ trương duy ý chí, người ta bắt dân Củ Chi bỏ trồng màu để trồng lúa. Nhưng lúa nào mọc lên được ở đây. Tôi hỏi dân có muốn trồng màu trở lại không? Họ nói: "Nếu được vậy thì hoan hô Chủ tịch!”.

Anh nói tiếp: "Hồi Đại hội I của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, các anh có biết không, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải lo thu mua một triệu lá dong để gói bánh chưng, kỳ cục!”.

Sáng kiến "phá rào" đi tiên phong mở đường cho công cuộc đổi mới khởi đầu rất khiêm tốn như chạy gạo, chạy thịt cho nhân dân thành phố là như vậy, chẳng có tính cách lý thuyết hay thuộc một ý thức hệ nào, tả khuynh hay hữu khuynh. Đối với anh Sáu, vấn đề hết sức thực tế. Có lần anh tâm sự: "Hồi bắt đầu đi làm cách mạng, thực sự tôi cũng chẳng biết chủ nghĩa cộng sản là gì, chỉ vì thích đánh Tây mà đi thôi!".

Công cuộc đổi mới bắt đầu từ cái nhìn thực tế của đôi mắt dám nhìn vào sự thật, và nhất là với một khối óc thực tiễn, nhưng với một trái tim nóng bỏng tình yêu dân. Chính vì thế mà trong suốt cả cuộc đời, dù bận rộn với công việc của một Chủ tịch hay Bí thư Thành ủy, rồi Thủ tướng Chính phủ, anh vẫn để ra rất nhiều thì giờ đi tới đi lui, gặp gỡ mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người bị thất sủng, và những người bị giam giữ vì nhiều tội danh.

Việc đến thăm báo Công giáo và dân tộc không phải chỉ là để chào hỏi xã giao, mà thực sự là để gặp gỡ đối thoại, động viên, góp ý.

Tôi không ở trong Ban biên tập của tuần san cũng như nguyệt san Công giáo và dân tộc, nên không được biết cụ thể anh Sáu đã nâng đỡ tờ báo như thế nào, hay thậm chí có lần đã "cứu" tờ báo khỏi... những quả phạt đền, nói theo ngôn ngữ của anh Dương Bá Cần, Tổng Biên tập đương nhiệm. Nhưng căn cứ vào những lời phát biểu và những bài viết gần đây, tôi thấy anh Sáu có một quan niệm rất cởi mở về tự do ngôn luận và báo chí.

Anh đã từng phát biểu, vào lúc nhiều phiên toà được mở ra xét xử những người bất đồng chính kiến, rằng nên có sự phân biệt rõ rệt hơn nữa giữa bất đồng chính kiến với phản động hay phá hoại an ninh trật tự. Khi anh đã qua đời, có rất nhiều bài báo đã nói về anh như một người cởi mở, bao dung, coi việc bất đồng chính kiến là bình thường. Người ta còn kể lại rằng, chính anh đã thẳng thắn thú nhận rằng, lúc ban đầu, khi nghe những người bất đồng chính kiến tranh luận với mình, anh cũng khó chịu và không thể chấp nhận được, nhưng dần dần, càng gặp gỡ, càng đối thoại, anh càng hiểu rằng đối thoại, phản biện, khác ý kiến không những là bình thường, mà còn cần thiết và hữu ích, chứ không đương nhiên là phản động, là phá hoại.

Anh Sáu là con người thực tiễn, chứ không phải là một bộ óc giáo điều. Bản thân anh xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ, và cũng như phần đông các nhà lãnh đạo cách mạng thế hệ đi tiên phong, anh đã học được nhiều điều không phải từ sách vở, lý thuyết, hay từ trường lớp, mà trước hết bằng thực tế và kinh nghiệm trường đời, kinh nghiệm từ một cuộc đời chiến đấu quên mình.

Bí danh "Sáu Dân" mà anh đã chọn cho mình quả thật có một ý nghĩa sâu sắc: anh trước hết chỉ muốn là một người dân, một người bình thường như mọi người dân, một người nông dân Nam Bộ; thứ đến anh còn là một người "của dân”, sống và chiến đấu cho dân, và suốt đời chỉ muốn phục vụ dân, cả khi đã thôi nhiệm, và phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng.

Anh là người dám có sáng kiến, dám nói, dám làm, và dám làm cho bằng được, cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm. Điều này các nhà lãnh đạo, đồng chí, những người hoạt động cách mạng và công tác cùng thời với anh, cũng đã đồng loạt nói lên trước linh cữu của anh. Hôm đến với anh em Công giáo và dân tộc,anh cũng tâm sự với chúng tôi về điều đó: "Lúc đầu khi nghe tôi nói về những cải tổ kinh tế, bắt đầu bằng việc khoán sản phẩm, xóa bỏ những hợp tác xã, những xí nghiệp lỗ lãi v.v. bãi bỏ việc ngăn sông cấm chợ, v.v. thì nhiều đồng chí lo ngại: vậy thì còn gì là "chủ nghĩa xã hội?". Nhưng tôi nói: "Cứ để tôi làm, sau ba năm mà thất bại thì cứ đuổi tôi về vườn". Nhưng sau khi thấy tôi làm được, thì các cụ bảo rằng: ừ, thấy cũng được!".

Mới đây, tôi đọc được trong một bài báo nào đó kể lại rằng, khi còn hoạt động ở địa phương, đã có lần được hỏi nếu cần phải phá rào để cứu dân khỏi đói khỏi khổ, thì ông chọn phải mất chức hay để dân phải đói, phải khổ? Ông trả lời ngay: "Thà chịu mất chức, chứ không chịu để dân đói khổ".

Đã là người của dân, thì lẽ dĩ nhiên chỉ biết sống cho dân. Mà dân ở đây là mọi người, chứ không chỉ là người cộng sản, người cách mạng, hoặc cứ phải là người tiến bộ. Người ta đã nói nhiều đến lòng bao dung và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của anh. Sau khi anh qua đời, nhiều người trong và ngoài nước, đặc biệt là những người thuộc chế độ cũ, kể cả những người vẫn còn đầu óc "chống cộng", cũng nhìn nhận anh Sáu là người như vậy, đến nỗi có người Việt kiều trí thức thuộc chế độ cũ than rằng: mai ngày nếu về Việt Nam không biết còn gặp được ai để có thể đối thoại bình đẳng! Vì thế mà nhà thơ Việt Phương đã khóc anh mà nói:

Người có biết đời cần người đến thế

Đời cần người lúc này bao xiết kể

Người đừng đi, đừng đi, đừng đi…

Người đừng đi đừng rời bỏ đời này

Người còn đây trong tiến trình dân tộc

Những mầm non giàu sức bật vươn lên

Những công trình dở dang chưa hoàn tất

Và ánh trăng vằng vặc ở bên thềm…1

Chúng ta mong cho câu kết của bài Một trái tim lớn đã ngừng đập của anh Tương Lai sẽ mãi mãi là sự thật: "Trái tim mãnh liệt của Võ Văn Kiệt vẫn đập mạnh mẽ và sôi động hơn bao giờ hết trong mạch sống của dân tộc"2.

Vâng, trái tim ấy phải tiếp tục đập trong trái tim của nhân dân, của các nhà lãnh đạo, những người đang kế thừa sự nghiệp của anh Sáu, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, trong đó có các bạn thanh niên xung phong mà anh coi như những người con và những người bạn của mình.

Và trái tim ấy cũng sẽ tiếp tục đập mạnh mẽ cùng một nhịp với trái tim của chúng tôi, để chuyển dòng máu tới những ngón tay cầm bút của những người viết văn, làm báo như chúng tôi, chiến đấu cho chân lý và tự do, phục vụ hạnh phúc của đồng bào.

___________

1. Báo Nhân Dân, ngày 13/6/2008, tr.3.

2. Bài đăng trên báo Người đại biểu nhân dân, ngày 12/6/2002 và trên báo Đại đoàn kết, Tổ quốc, ngày 13/6/2008.