Hiệp định Paris 1973

Hội nghị Paris đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào?

NDO - Để đi đến đàm phán, nhân dân 2 miền đất nước, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng bước kiên trì và bền bỉ, anh dũng và kiên cường phá tan mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là một đòn chí mạng vào quân đội Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận con đường đàm phán hòa bình nhằm tìm một lối thoát chính trị cho cuộc chiến ở Đông Dương. 

Ngay từ cuối những năm 1940, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương bằng cách chi viện ngày càng nhiều cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954). Sáu đời Tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đã dính líu ngày càng sâu vào Việt Nam (kể từ Harry Truman đến Gerald Ford).

Mỹ đã phá hoại Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam; lần lượt tiến hành nhiều chiến lược như chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến lược chiến tranh cục bộ...

Cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại và những khoản tiền khổng lồ, từ đầu những năm 1960, Mỹ không ngừng đưa quân vào miền nam Việt Nam (năm 1961 là 700 người, đến tháng 6/1968 lên tới 525.000 người).

Hội nghị Paris đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào? ảnh 1

Ngay sau khi Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký kết, đế quốc Mỹ đã chở trái phép các phương tiện chiến tranh vào miền nam Việt Nam. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao)

Tiếp theo sự kiện vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964), Mỹ đã leo thang chiến tranh phá hoại miền bắc Việt Nam, chủ yếu bằng không quân và hải quân, nhưng càng đánh, Mỹ càng sa lầy, tổn thất về người và của càng lớn; phong trào chống chiến tranh ở Mỹ phát triển ngày càng sâu rộng, nội bộ chính quyền Mỹ ngày càng mâu thuẫn, lục đục; chính quyền Mỹ đã bao biện rằng thông qua nhiều nước, nhiều nhân vật để tìm kiếm hòa bình với Việt Nam nhưng không mang lại kết quả.

Trước tình hình Mỹ ngày càng leo thang, dấn sâu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhân dân ta đã kiên cường chống lại đế quốc Mỹ xâm lược, không quản hy sinh, gian khổ. Đi đôi với đấu tranh quyết liệt và thắng lợi to lớn, liên tiếp trên các mặt trận quân sự, Đảng và Nhà nước ta ngày càng chú trọng nâng cao vị thế và vai trò của đấu tranh ngoại giao.

Hội nghị Paris đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào? ảnh 2
Nhân dân miền nam biểu tình chống đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai trong những năm 60 của thế kỷ XX. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, Mỹ chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, từng bước leo thang chiến tranh phá hoại miền bắc, ta đã đề ra những điều cơ bản làm cơ sở cho đàm phán, đó là lập trường 5 điểm ngày 22/3/1965 của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và tuyên bố 4 điểm ngày 8/4/1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như Nghị quyết 12 (tháng 12/1965), Nghị quyết 13 (tháng 1/1967), Nghị quyết 14 (tháng 1/1968) ngày càng nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của đấu tranh ngoại giao trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đồng thời chủ trương mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta.

Hội nghị Paris đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào? ảnh 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Hà Nội, tháng 3/1964, đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể để xây dựng miền bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền nam. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Thắng lợi của quân và dân ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, là “một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”. Chính trong tình hình đó, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã tuyên bố: Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.

Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên phải mất 30 ngày, 2 bên mới thỏa thuận, thống nhất được địa điểm họp ở Paris theo sáng kiến của ta.

Hội nghị Paris đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào? ảnh 4

Quân Giải phóng tấn công căn cứ Khe Sanh năm 1968. (Nguồn: Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình, Nhà xuất bản Thông tấn)

Tình hình thế giới trước ngày diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa ta và Mỹ hết sức phức tạp. Sự đối đầu giữa 2 hệ thống xã hội trên thế giới, giữa 2 thái cực Liên Xô và Mỹ rất sâu sắc và toàn diện, thể hiện ở cuộc chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hạt nhân. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhiều giới chính trị, kinh tế, xã hội ở các nước đế quốc lo ngại chiến tranh khu vực phát triển thành chiến tranh thế giới.

Do đó, dư luận rộng rãi trên thế giới một mặt ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, mặt khác mong muốn Việt Nam ngồi vào bàn thương lượng để giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng phương pháp hòa bình. Trong khi đó, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như hệ thống xã hội chủ nghĩa xuất hiện những mâu thuẫn bất đồng.

Hội nghị Paris đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào? ảnh 5
Hơn 3 vạn công nhân tại thủ đô La Habana, Cuba tổ chức mít-tinh ủng hộ nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tháng 11/1966. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Tài liệu ảnh sưu tầm)

Đứng trước tình hình phức tạp trên, Đảng và Nhà nước ta phải phát huy tinh thần độc lập và tự chủ, phối hợp chặt chẽ các hình thức đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao; đồng thời tranh thủ đến mức cao nhất sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, cũng như sự ủng hộ tinh thần và vật chất của nhân dân thế giới. Chúng ta quyết tâm giành những thắng lợi to lớn ở chiến trường, đồng thời giương cao ngọn cờ hòa bình, thiện chí, phân hóa và cô lập đối phương.