Bình đẳng giới là vấn đề xã hội-một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, song bước đi cụ thể lại được thực hiện từ giải pháp kinh tế. Trên thế giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và chương trình hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế.
Tại Việt Nam, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra giải pháp có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Trên tinh thần đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã bổ sung chi tiết một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, trong đó có các định mức hỗ trợ cao hơn doanh nghiệp nói chung. Điều thú vị là dù ở một xuất phát điểm thấp nhưng sau nhiều năm nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
51% số doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ tham gia trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với nhiều quốc gia khác.
Con số này ngang bằng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh trong khu vực như Singapore (24%), Thái Lan (23%) Indonesia (21%) và thậm chí ngang bằng với các nền kinh tế phát triển nhất trên toàn cầu như Pháp (24%), Thụy Điển (20%). Hơn nữa, 51% số doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ tham gia trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN.
Từ những số liệu được công bố trong Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ như đã nêu trên, các chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo có thể là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cũng như trên khắp châu Á và Thái Bình Dương. Ở góc độ phát triển xã hội, các doanh nghiệp này góp phần tăng vị thế của phụ nữ, tăng đầu tư cho y tế, giáo dục của trẻ em, nhất là các trẻ em gái, làm tăng lợi ích xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Để giải phóng tiềm năng chưa được khai phá của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách theo giới, đưa khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ vào một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, đồng thời tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức, bao gồm thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho phụ nữ và các nữ doanh nhân thành công tiêu biểu.