Trách nhiệm “kép” của nữ doanh nhân

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều phụ nữ ngày càng thể hiện được năng lực, bản lĩnh khi tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các nữ doanh nhân vẫn phải gặp nhiều khó khăn, rào cản, rất cần những chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Hà Thị Vinh (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn nhân viên quảng bá sản phẩm gốm sứ Quang Vinh.
Doanh nhân Hà Thị Vinh (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn nhân viên quảng bá sản phẩm gốm sứ Quang Vinh.

Gần 10 năm gắn bó, thăng trầm với ngành điện, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật năng lượng Hoàng An (HAENTECO) Ðỗ Thị Loan vẫn giữ được nét dịu dàng, tươi trẻ. Xuất thân là một kỹ sư điện, chị Loan đã mạnh dạn khởi nghiệp kinh doanh trong một lĩnh vực “hiếm nữ”. Từ một doanh nghiệp non trẻ, HAENTECO hiện đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp danh tiếng của nước ngoài để phân phối thiết bị ngành điện trên thị trường Việt Nam. Nữ giám đốc chia sẻ: “Việc cân bằng giữa công việc và gia đình rất khó, nhất là với người phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, bởi công việc có nhiều áp lực, thách thức. Nhưng chỉ cần bản thân tự tin, không ngừng cố gắng và nhận được sự ủng hộ, người phụ nữ nào cũng có thể đạt được thành công trong cuộc sống”.

Có thể thấy, những người phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp như chị Ðỗ Thị Loan ngày càng nhiều qua đó thể hiện được vai trò, vị trí của phụ nữ thời hiện đại. Có thể kể tới tấm gương tiêu biểu như Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) Hà Thị Vinh, người đã mạnh dạn đưa gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu từ hàng chục năm trước. Từ một tổ hợp sản xuất có sáu lao động chính, bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, nữ doanh nhân Hà Thị Vinh đã đưa Quang Vinh trở thành một công ty xuất khẩu với hơn 400 lao động, trong đó hơn 85% là lao động nữ, xây dựng hai nhà máy lớn, mỗi năm xuất khẩu hàng triệu sản phẩm đi khắp thế giới.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, hiện số doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tới gần 27% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm tới 67%. Trong đó, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều ý tưởng sáng tạo, như chị Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) đã phát triển sản phẩm gạo Japonica được cấp nhãn hiệu tập thể, đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Hay như chị Nguyễn Thị Hiên (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) với sản phẩm ống hút tre, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại chỗ và hơn 500 lao động vệ tinh...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Lê Kim Anh đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã có sự phát triển rõ nét. Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực của bản thân các nữ doanh nhân, còn có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể. Trong đó, giai đoạn 2017-2022, thành phố đã hỗ trợ 2.350 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Các sở, ngành, đơn vị phối hợp hội phụ nữ các cấp đã tổ chức 1.870 khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cho nữ giới. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp tổ chức 21 khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho 850 lao động của các doanh nghiệp do nữ làm chủ tại các làng nghề; hỗ trợ doanh nghiệp nữ các làng nghề quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết, hiện Hiệp hội có gần 250 hội viên ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhưng đều đang nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển và bình đẳng của phụ nữ, đóng góp xây dựng Thủ đô và đất nước. Hiệp hội đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên liên kết-liên doanh, hợp tác với nhau, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…; đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, tập trung vào quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường và hội nhập nhằm giúp các hội viên nâng cao năng lực điều hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng cho biết, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hầu hết có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, cho nên còn nhiều khó khăn, hạn chế. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ còn thấp. Nhiều nữ lãnh đạo còn gặp hạn chế về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, chuyển đổi số… Chưa kể, các nữ doanh nhân phải gánh vác trách nhiệm “kép”, vừa chăm lo gia đình, vừa điều hành doanh nghiệp.

Ðể hỗ trợ phụ nữ vượt qua các khó khăn, trở ngại, thể hiện bản lĩnh, năng lực của mình, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Ðậu Tuấn Anh cho rằng, các địa phương cần đưa ra những ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Về phía các ngân hàng cũng cần có các chương trình hỗ trợ, ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng, giúp doanh nghiệp do nữ làm chủ có thể tiếp cận nguồn tín dụng tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, tiếp cận những cơ hội mới.