Ngày 11/3, tại Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, diễn ra cuộc thi dịch tiếng Việt toàn Nga lần thứ 2 trong lĩnh vực giao tiếp chuyên nghiệp.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, các nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã và đang công tác tại Nga và Việt Nam, cùng đại diện các trung tâm đào tạo ngành Việt Nam học có mặt theo dõi và động viên các thí sinh.
Tại lễ khai mạc, bà Olga Maslovets, Trưởng Khoa tiếng Trung Quốc, tiếng Việt Nam, tiếng Thái Lan và tiếng Lào (MGIMO) đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam hiện nay, là đối tác quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á. Dù gặp nhiều khó khăn, Nga và Việt Nam tiếp tục đạt những thành quả tích cực trong quan hệ song phương thời gian qua, trên cơ sở tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau.
Cuộc thi thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia Nga. (Ảnh: THANH THỂ) |
Cũng theo bà Maslovets, số lượng thí sinh năm nay cao hơn năm trước cho thấy mức độ quan tâm học tiếng Việt tại Nga tăng lên. MGIMO và các cơ sở giáo dục ở Nga tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy phong trào dạy học tiếng Việt tại Nga phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách bộ phận giáo dục (Đại sứ quán Việt Nam tại Nga) khẳng định, Đại sứ quán đánh giá cao ý tưởng tổ chức cuộc thi, đồng thời hy vọng cuộc thi năm nay và các năm tiếp theo sẽ giúp tìm ra những tài năng mới về tiếng Việt.
Diễn ra theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, cuộc thi có sự tham gia của hơn 20 sinh viên hệ cử nhân và thạc sĩ đang học tập, nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại các trung tâm đào tạo hàng đầu của Nga. Các thí sinh phải trải qua các phần dịch xuôi từ tiếng Nga sang tiếng Việt và dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Nga.
Thể hiện tốt phần thi của mình, Polina, sinh viên Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moskva bày tỏ niềm hạnh phúc. Cô khẳng định, các thí sinh đã nỗ lực hoàn thành tốt bài thi, khi đề năm nay có độ khó cao.
Polina cũng nhấn mạnh, phát âm tiếng Việt khó, song thú vị. Với tình yêu dành cho tiếng Việt và đất nước Việt Nam, Polina mong muốn tìm được công việc liên quan tiếng Việt sau khi ra trường.
Thí sinh thể hiện bài thi. Ảnh: THANH THỂ |
Đánh giá về cuộc thi năm nay, cô Svetlana Glazunova, giảng viên tiếng Việt tại MGIMO cho biết, Ban Tổ chức luôn mong chất lượng thí sinh ở mức cao. Song vì tâm lý, nhiều em chưa thể hiện tốt nhất khả năng của mình. Nhiều sinh viên vẫn cần nỗ lực hơn về phát âm và chọn từ khi chuyển ngữ.
Cũng theo cô Glazunova, cuộc thi dịch tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng cổ vũ phong trào dạy học tiếng Việt tại Nga. Việc có mặt các đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam và Nga trong cuộc thi cũng là động lực cho thí sinh tiếp tục cố gắng trong hành trình chinh phục tiếng Việt của mình.
Năm nay, đồng hành, hỗ trợ tổ chức cuộc thi tiếp tục là Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc MGIMO, Hội Hữu nghị Nga-Việt và Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị”.
Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” Nguyễn Quốc Hùng nhận định, cuộc thi năm nay có bước tiến về chất lượng. Các thí sinh đã thể hiện được không chỉ khả năng ngôn ngữ, mà còn kiến thức về các mối quan hệ quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy vị thế tiếng Việt tại Nga, mà còn góp phần đào tạo thế hệ chuyên gia có trình độ cao.
Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” tiếp tục đồng hành cùng các hoạt động cả về học thuật, lẫn quảng bá văn hóa hai nước, nhằm đưa các thế hệ trẻ xích lại gần nhau hơn, qua đó tiếp tục thúc đẩy hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga.
Ban Giám khảo và đại diện Ban Tổ chức, khách mời chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: THANH THỂ) |
Trong khuôn khổ cuộc thi, cũng diễn ra buổi thảo luận bàn tròn về lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Nga và Việt Nam. Cựu Đại sứ Nga tại Việt Nam Andrey Tatarinov, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt Piotr Tsvetov cùng các đại biểu nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Nga; thảo luận phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về dịch tiếng Việt, nhất là kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt trong thực tế, cũng như đặc thù khi làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao…
Công bố kết quả cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao các giải nhất, nhì, ba cho các thí sinh ở các nội dung dành cho hệ đại học và thạc sĩ. Ngoài ra, những người chiến thắng ở các hạng mục dịch chính xác nhất, dịch nhanh nhất, phát âm hay nhất và giải thiện cảm cũng được xướng tên.