Ngôn ngữ là cầu nối
Trong khuôn khổ “Ngày hội tiếng Việt tại Nga”, tọa đàm “Tiếng Việt trong giao lưu, hợp tác Việt-Nga” được tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến, kết nối các đầu cầu từ Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại học Quốc gia Hà Nội… Đại diện cộng đồng người Việt tại Vladivostok, Kazan, Ufa, Saint Petersburg (Nga) cũng tham gia từ xa.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho biết, Ngày hội tiếng Việt tại Nga không chỉ dành cho các giảng viên, sinh viên Nga học tiếng Việt, mà còn dành cho cộng đồng người Việt tại Nga. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo tiếng Việt ở Nga có đội ngũ giảng viên giỏi, nhiều sinh viên đam mê tiếng Việt.
Khẳng định ngôn ngữ là cầu nối các quốc gia, Đại sứ Đặng Minh Khôi đề xuất tổ chức Ngày hội tiếng Việt tại Nga hằng năm. Đây là dịp gắn kết sinh viên Nga và Việt Nam, cũng như các giảng viên tiếng Việt hai nước.
Đại sứ Đặng Minh Khôi hy vọng, tọa đàm tập trung thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác giảng dạy tiếng Việt tại Nga hiệu quả hơn. Một trong những điều mong mỏi là có thể đưa tiếng Việt vào một số trường phổ thông Nga, nơi có đông con em người Việt theo học.
Ông Lý Tiến Hùng, đại diện Phòng Kinh tế-Khoa học-Giáo dục (Đại sứ quán Việt Nam tại Nga) nhấn mạnh, việc đào tạo tiếng Việt và ngành Việt Nam học tại Nga có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm cung cấp nguồn nhân lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga. Việc khuyến khích giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Nga đã được đề cập trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/11/2021.
Cũng theo ông Lý Tiến Hùng, việc giữ gìn và giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Nga cũng là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự hỗ trợ có tính hệ thống, thường xuyên và lâu dài từ các cơ quan chức năng, cũng như cộng đồng và các hội đoàn người Việt tại Nga.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cần các giải pháp tổng thể để phát triển mạnh mẽ hơn nữa công tác giảng dạy tiếng Việt ở Nga thời gian tới. Giảng viên Nguyễn Anh Nam từ Viện Phương Đông, Đại học liên bang Viễn Đông cho biết, tại Vladivostok (Nga) hiện có hơn 30 sinh viên Nga học tiếng Việt. Điều khó khăn nhất để thu hút sinh viên nước ngoài học tiếng Việt chính là vị thế của tiếng Việt.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Nam, tiếng Việt phải cạnh tranh với nhiều ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Thái… Khả năng tìm được việc làm đối với sinh viên học tiếng Việt cũng ảnh hưởng lớn quyết định của sinh viên. Thêm khó khăn trong việc dạy tiếng Việt ở Nga hiện nay là không có nhiều giáo trình cho người nước ngoài.
Học viện các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (Lomonosov) là cơ sở có nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Việt. Hiện có khoảng 20 sinh viên học tiếng Việt tại đây. Theo giảng viên Maxim Syunnerberg, số lượng sinh viên học tiếng Việt tại học viện thực tế có giảm, song nhu cầu vẫn có, do quan hệ Nga-Việt phát triển mạnh mẽ. Một nguyên nhân nữa khiến số sinh viên học tiếng Việt tại trường ít đi là do một số cơ sở khác đã bắt đầu đào tạo tiếng Việt.
Các giải pháp thiết thực
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga Đỗ Xuân Hoàng nhấn mạnh, cần xây dựng một hệ thống chương trình và giáo trình học thống nhất, để cung cấp cho người nghiên cứu Việt Nam khung kiến thức cần thiết. Những kiến thức này không chỉ giới hạn trong các chủ đề ngôn ngữ, mà nên mở rộng ra các vấn đề lịch sử, kinh tế và địa chính trị…
Cũng theo ông Đỗ Xuân Hoàng, để tăng cường hợp tác về ngành Việt Nam học, có thể mời các giảng viên Nga tới Việt Nam tham gia giảng dạy thường xuyên hoặc thỉnh giảng các vấn đề liên quan Việt Nam. Việt Nam rất cần tri thức quốc tế về phương pháp nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học xã hội.
Hiện nay, có một số trung tâm giảng dạy tiếng Việt cho con em Việt Nam tại Nga, nhưng chủ yếu tự phát. Trên cơ sở đó, các đại biểu mong muốn các giáo sư, giảng viên tiếng Việt trong nước sớm đưa ra bộ giáo trình dạy tiếng Việt trực tuyến, để con em cộng đồng và sinh viên Nga tiếp cận dễ dàng. Tọa đàm cũng hy vọng chính phủ Nga cùng phía Việt Nam thành lập những trung tâm giảng dạy tiếng Việt.
Ghi nhận nhiều sáng kiến của các đại biểu, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, để quảng bá rộng rãi hơn văn hóa Việt Nam ra thế giới, cần đẩy mạnh việc dạy học tiếng Việt, giới thiệu tiếng Việt tại nước ngoài. Điều này không chỉ trông chờ các trường đại học, giảng viên, sinh viên, mà phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan, bộ ngành hai nước.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga, Đại sứ đề xuất tăng cường kết nối sinh viên học tiếng Việt với các doanh nghiệp Việt, hay các doanh nghiệp Nga muốn đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích con em người Việt tích cực học tiếng Việt, cũng như kết nối chặt hơn nữa các giảng viên hai nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đang phối hợp Hội người Việt Nam thảo luận thành lập quỹ khuyến học, để động viên sinh viên Nga học tiếng Việt, cũng như con em cộng đồng.
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao đề xuất xem xét kết hợp Ngày hội tiếng Việt do Đại sứ quán Việt Nam chủ trì với hoạt động của các trường, cơ sở đào tạo tiếng Việt ở Nga, để tạo thành một chuỗi sự kiện liên quan tiếng Việt trong năm.
Trong khuôn khổ “Ngày hội tiếng Việt tại Nga”, ban tổ chức cũng trưng bày hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật thư pháp đến đông đảo bạn bè Nga, trao giải cuộc thi sáng tác báo tường về Việt Nam cho các sinh viên Nga và con em trong cộng đồng.
“Ngày hội tiếng Việt tại Nga” không chỉ là sự kiện về tiếng Việt, mà còn về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, để giúp các bạn sinh viên Nga có thể có cách tiếp cận sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về “dải đất chữ S”, khi chưa có cơ hội đến đất nước mà nhiều bạn đã chọn để gắn bó.