Ấn tượng 30 dự án lọt chung kết thi khởi nghiệp nông nghiệp

NDO -

Sau các phần thi bán kết ở cả ba miền đất nước, Cuộc thi “Dự án sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn” lần thứ III với phần thưởng lên tới hàng tỷ đồng đã tìm được 30 ứng viên tiêu biểu nhất để tranh tài tại vòng chung kết. Phần lớn các sản phẩm đều ứng dụng công nghệ cao như đồ gia dụng từ cây chuối, mật hoa dừa.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân (áo xanh đứng giữa trong ảnh) trao chứng nhận tặng các thanh niên có dự án khởi nghiệp tiêu biểu tại bán kết Cuộc thi.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân (áo xanh đứng giữa trong ảnh) trao chứng nhận tặng các thanh niên có dự án khởi nghiệp tiêu biểu tại bán kết Cuộc thi.

“Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” là một trong những dự án khiến các giám khảo Cuộc thi “Dự án sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn” lần thứ III bất ngờ, không chỉ bởi ý tưởng nuôi tôm ngay sát Thủ đô, mà còn vì ý tưởng này hai năm nay đã thu về nhiều kết quả tích cực, được người tiêu dùng ưa chuộng và không gây ảnh hưởng môi trường.

Với khao khát làm giàu chính đáng và sức trẻ, ba chàng trai Tống Văn Liên, Nguyễn Viết Bằng, Nguyễn Đình Tuấn đã quyết tâm khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cho dù tốt nghiệp chuyên ngành… cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa.

Mô hình nuôi tôm của ba chàng kỹ sư trẻ tập trung vào áp dụng công nghệ Biofloc để tự nitrat hóa ao nuôi tôm, qua đó vừa không cần thay nước, nâng cao sản lượng tôm thương phẩm, tôm siêu thâm canh, vừa thân thiện với môi trường. Do mô hình được đặt ngay sát TP Hà Nội, nên đã tận dụng triệt để lợi thế về vận chuyển, bảo quản tôm sau khi thu hoạch.

Sau thời gian đầu đầy khó khăn, mô hình đã gặt hái nhiều thành quả đáng mừng, đạt sản lượng 300 kg/80 m3 nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhóm ba nhà khởi nghiệp quyết định nghiên cứu, cho ra đời thêm nhiều sản phẩm như tôm chua, tôm khô, tôm bóc nõn.

Cũng là một trong những người có dự án lọt top đầu Cuộc thi, chị Lê Ngọc Thảo đã nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp ngay từ những ngày còn ngồi ghế giảng đường.

Ấn tượng 30 dự án lọt chung kết thi khởi nghiệp nông nghiệp -0
Chị Lê Ngọc Thảo giới thiệu sản phẩm mắm Gò Công với nhà đầu tư tại cuộc thi. 

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm mắm lên tới 70 năm, chị bị bạn bè gán cho biệt danh “Thảo mắm” suốt thời gian học phổ thông và từng “ghét cay ghét đắng” biệt danh này.

Thế nhưng, khi lớn lên, chị Thảo hiểu rằng, mắm là một trong những món ăn chứa đựng tinh hoa dân tộc, cần phải được nâng tầm thay vì bị coi là một thứ thực phẩm “phụ họa”, “nặng mùi” trong mâm cơm Việt.

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập tới khiến nhiều lao động trẻ trong đó có chị Thảo mất việc. Trở về quê nhà ở Tiền Giang, hình ảnh các thành viên trong gia đình vẫn luôn tần tảo mưu sinh với món mắm truyền thống khiến chị lập quyết tâm hoàn thành ước mơ khởi nghiệp với chính món ăn mà bản thân từng muốn chối bỏ.

Đối với người làm mắm, công phu và tỉ mỉ chẳng bao giờ đủ. Không những vậy, trong từng công đoạn từ sơ chế, ủ, chà, phơi, ngửi… đều phải thêm vào sự tâm huyết đặc biệt, mắm mới có “hồn”, mới ngon miệng. Cứ như vậy, sản phẩm “Mắm chà Gò Công” với thương hiệu Khổng Tước Nguyên của chị Thảo ra đời, trở thành một trong những món ăn ưa thích của cả người dân bản địa và khách du lịch.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi, cho biết: bước sang năm thứ ba triển khai, Cuộc thi mong muốn trở thành sân chơi lành mạnh, quen thuộc dành riêng cho các bạn trẻ ở khu vực nông thôn có nhu cầu làm giàu chính đáng.

“Năm nay, các dự án tham gia Cuộc thi không chỉ tăng về số lượng mà còn cả chất lượng, thể hiện ở những phương án kinh doanh cụ thể, tính khả thi và hàm lượng khoa học - công nghệ. Từ 346 hồ sơ tham gia, qua các vòng thi nghiêm túc, công bằng, chúng tôi đã lựa chọn được 30 dự án tiêu biểu lọt vào chung kết Cuộc thi”, chị Vân chia sẻ với PV Báo Nhân Dân.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thu Vân, vòng đấu quyết định của Cuộc thi sẽ diễn ra tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào đầu tháng 11 tới đây. Dự án giành giải Nhất sẽ nhận mức hỗ trợ phát triển lên đến một tỷ đồng cùng 50 triệu đồng tiền thưởng, một khóa học bổng “Tăng tốc khởi nghiệp, đạt chuẩn quỹ đầu tư” và Bằng khen của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng sẽ trao nhiều phần thưởng có giá trị tặng các dự án giành giải Nhì, Ba và các giải khác của Cuộc thi.