An toàn khu Đại Từ hôm nay

NDO -

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với Định Hóa, Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) là an toàn khu (ATK). Từ đầu tháng 8-1954, Bác Hồ và các cơ quan đầu não kháng chiến chuyển đại bản doanh về xã Hùng Cường (nay là xã Bản Ngoại), huyện Đại Từ, để chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Thực hiện mong ước của Bác, ATK Đại Từ hôm nay đang chuyển mình về mọi mặt

 Thu hút đầu tư xây dựng chợ trung tâm huyện Đại Từ khang trang.
Thu hút đầu tư xây dựng chợ trung tâm huyện Đại Từ khang trang.

Tăng thu nhập cho nhân dân

Người dân huyện Đại Từ vẫn nhớ như in ngày 14-9-1954, trong bộ đồ giản dị, Bác Hồ đến tận ruộng thăm nông dân xã Hùng Cường đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất. Sau khi thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống, Bác mong muốn, hòa bình lập lại, cần áp dụng kỹ thuật để làm ra nhiều lương thực, xây dựng xã, huyện nhà trở nên giàu mạnh.  

Trong những ngày Mùa thu Cách mạng này, từ trung tâm huyện Đại Từ toả đi gần 30 xã trên địa bàn, đi đến đâu cũng thấy đường giao thông nông thôn được đổ bê-tông rộng rãi, hai bên đường, trước cửa nhà dân cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng vàng rực rỡ. Vào xã La Bằng, xã nông thôn mới dưới chân dãy Tam Đảo hùng vĩ, đường trục chính đổ bê-tông to rộng, đường liên xóm, vào tận nhà dân được cứng hóa, đi lại thuận lợi, sạch sẽ.

Phát huy thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù dưới chân dãy núi Tam Đảo, người dân xã La Bằng tổ chức lại sản xuất bằng mô hình hợp tác xã, tổ nhóm liên kết, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị chế biến, đến nay, La Bằng đã phát triển được vùng sản xuất chè tập trung, xây dựng thương hiệu chè La Bằng ngon bậc nhất ở tỉnh Thái Nguyên.

Là người tâm huyết với nghề chè, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng Nguyễn Thị Hải đã dày công xây dựng chuỗi sản xuất chè an toàn, chất lượng, uy tín. Chị Hải tâm sự: “Với chất lượng vượt trội và mẫu mã đẹp, chè La Bằng được chọn làm quà tặng các đại biểu cấp cao dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, năm 2017”.

Ở La Bằng, hầu hết các hộ dân làm nghề chè, giá trị mang lại từ hơn 400 triệu đồng/ha trở lên, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, huyện Đại Từ đã xây dựng được vùng sản xuất chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với hơn 6.000 ha và huyện đang nỗ lực hỗ trợ người dân sản xuất, chế biến chè sạch, an toàn, nâng cao hơn nữa giá trị và thu nhập cho bà con.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ Nguyễn Xuân Quang cho biết: “Vốn là một huyện thuần nông, tiềm năng về đất đai và lao động rất lớn, để tăng thu nhập cho người dân, cách làm của chúng tôi là gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút đầu tư. Đó là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn như giao thông, kênh mương nội đồng để thúc đẩy sản xuất; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như cây ăn quả có múi, vùng sản xuất nông sản. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hạ tầng, đô thị và đến nay, Đại Từ là một trong những trung tâm may mặc của tỉnh Thái Nguyên”.

Với cách làm đó, ATK Đại Từ hôm nay có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%, thu nhập bình quân đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm. Những năm gần đây, Đại Từ thu hút 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách phát triển công nghiệp, đô thị đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng 85%.

An toàn khu Đại Từ hôm nay -0
 Chè Đại Từ có thương hiệu trên thị trường.

Sớm là huyện nông thôn mới

Vốn là huyện thuần nông, nhưng nhờ biết phát huy nội lực nên thu nhập bình quân của người dân tăng lên, đạt cao nhất so các huyện trong tỉnh. Khi người dân có thu nhập và việc làm ổn định, tin tưởng cấp ủy, chính quyền địa phương nên rất tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Năm năm gần đây, Đại Từ đầu tư gần 1.300 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trong đó, người dân đóng góp 235 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Phạm Quang Anh khẳng định: “Với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững bằng các loại cây mà huyện có thế mạnh, thu nhập của người dân sẽ tiếp tục tăng lên. Đồng thời, chúng tôi tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường thì khoảng ba năm nữa, Đại Từ sẽ là huyện nông thôn mới”.

Không dừng lại ở mục tiêu là huyện nông thôn mới, mà khát vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân chiến khu xưa còn lớn hơn, đó là xây dựng Đại Từ trở nên giàu mạnh như mong muốn của Bác Hồ trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Để đạt mục tiêu như Bác Hồ mong muốn, đường hướng mà cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ vạch ra, gắn hồ Núi Cốc với ATK Định Hóa để phát triển du lịch; đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển đô thị, dịch vụ, tăng hơn nữa thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân để sau sáu, bảy năm nữa, Đại Từ trở thành thị xã.