An Giang xử lý nạn khai thác cát trái phép

Tình hình khai thác cát tại An Giang đang diễn ra phức tạp, nhất là tại các vùng giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp hoặc nước bạn Cam-pu-chia, chưa kể một số doanh nghiệp khai thác cát khai báo sụt giảm khối lượng cát để trốn thuế.

Hai ghe khai thác cát lậu trên sông Tiền bị phát hiện, xử lý vào ngày 7-11-2018.
Hai ghe khai thác cát lậu trên sông Tiền bị phát hiện, xử lý vào ngày 7-11-2018.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, trong hai năm (2017 và 2018) thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản cát sông, cát núi trên địa bàn, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 557 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền gần bốn tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Võ Hùng Dũng, địa bàn tỉnh còn khoảng 37 phương tiện có tải trọng từ 25 đến hơn 70 tấn trang bị máy bơm hút cát sông trái phép gây ảnh hưởng môi trường tại các huyện An Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu. Ngoài ra, một số đối tượng lén lút khai thác cát núi vào ban đêm và ngày cuối tuần tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu Đặng Văn Nê cho biết, Tân Châu có sông Tiền, là vùng biên giới giáp ranh với Đồng Tháp và Cam-pu-chia cho nên việc phòng, chống khai thác cát gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng khai thác cát trái phép phía bờ Tân Châu nếu thấy ngành chức năng đến kiểm tra, sẽ chống trả hoặc điều khiển phương tiện chạy qua biên giới hay qua bờ Đồng Tháp. Tương tự, Chợ Mới có sông Tiền giáp ranh sông với tỉnh Đồng Tháp cho nên khi phát hiện, ngành chức năng rất khó xử lý bởi đối tượng bị phát hiện liền nổ máy cho ghe tàu khai thác cát lậu chạy qua bờ tỉnh Đồng Tháp.

Qua quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy các đối tượng thường tổ chức khai thác cát lén lút vào ban đêm và các ngày cuối tuần. Đáng lo ngại là một số doanh nghiệp lợi dụng khai thác cát vượt khối lượng cấp phép, thậm chí khai thác nhiều nhưng khai báo ít để trốn thuế. Theo Cục Thuế tỉnh An Giang, trong hai năm qua ngành thuế tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý truy thu, phạt thuế đối với 17 doanh nghiệp gần 430 triệu đồng vì hành vi khai sai thuế, bỏ ngoài sổ sách kế toán…

UBND tỉnh An Giang nhận định, việc một số doanh nghiệp khai thác vượt khối lượng, sai vị trí, quá thời gian quy định theo giấy phép được cấp; một số khu vực không đưa vào danh mục cấp quyền khai thác khoáng sản bị lấy cắp khoáng sản; việc vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ; chưa kiểm soát chặt sản lượng khoáng sản khai thác… đã gây thất thoát tài sản nhà nước, gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ đê. Để chấn chỉnh, khắc phục, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá kết quả thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2008-2020 và khẩn trương thực hiện dự án “Khoanh vùng cảnh báo sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông và các giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra tại các sông chính trên địa bàn tỉnh”.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi). Trong đó, nghiên cứu để ban hành các quy định như: doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản vi phạm lần thứ nhất thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định, vi phạm lần thứ hai thì sẽ không xem xét gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản khi hết hạn.

Trước tình hình khai thác cát trái phép đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, hành vi khai thác cát sông không phép là hành vi xâm hại tài sản của Nhà nước, cho nên cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đối với địa bàn xã, phường, thị trấn. Cụ thể, thực hiện kỷ luật khiển trách người đứng đầu khi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép; nếu để tái diễn nạn khai thác cát trái phép thì bị kỷ luật theo hình thức cảnh cáo và luân chuyển cán bộ. Kiên quyết xử lý, thay thế chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn buông lỏng quản lý để xảy ra điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành khẩn trương triển khai yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cát sông lắp đặt ca-mê-ra giám sát, thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu để xác định phương tiện được cấp phép hoạt động trong hay ngoài phạm vi cho phép, giám sát thời gian khai thác và trữ lượng khai thác. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, yêu cầu các phương tiện có lắp đặt các thiết bị bơm hút (sà-lan, ghe…) đăng ký, đăng kiểm đúng quy định, đồng thời, nghiên cứu yêu cầu các phương tiện này phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh dự thảo về cơ chế thu thuế tài nguyên khoáng sản theo sản lượng tại giấy phép đã cấp, bảo đảm chống thất thu ngân sách nhà nước. Thực hiện rà soát, đánh giá lại hiện trạng các bãi vựa chứa cát sông; có biện pháp chấm dứt hoạt động đối với các bãi vựa chứa cát sông tại các điểm nóng về khai thác cát sông trái phép; tuyệt đối không cấp phép mới cho các bãi vựa tại các điểm nóng này…