Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, sau thời gian phát triển mạnh mẽ, ngành nông nghiệp An Giang bộc lộ hạn chế về tính bền vững và suy giảm tốc độ tăng trưởng, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp. Hệ quả là từ năm 2012 trở đi, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh thấp hơn mức tăng trưởng bình quân chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đồng chí Lê Hồng Quang phân tích, bên cạnh những thành tựu đạt được, An Giang còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng nhiều năm chỉ đạt mức trung bình, tỉnh vừa phải tập trung phát triển nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, vừa phát triển nhanh để theo kịp trình độ phát triển chung cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; ứng dụng khoa học-công nghệ chưa tạo nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế; quy mô nông nghiệp vẫn còn manh mún; công nghiệp chậm phát triển; du lịch tuy có khởi sắc nhưng chưa đủ sức trở thành mũi nhọn của nền kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn…
Để phát huy những thành tựu đạt được, sớm vượt qua những khó khăn, thách thức, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng-an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước”.
Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; không gian kinh tế xã hội được tổ chức hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại và du lịch; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng số đồng bộ, tích hợp, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và đời sống mọi mặt của nhân dân không ngừng được nâng cao; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm, từng bước cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; chất lượng môi trường được bảo đảm; tiềm lực quốc phòng được củng cố, khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; chính trị ổn định; an ninh trật tự được bảo đảm.
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang đề ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách từ mọi miền đất nước; có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nước lân cận trong khu vực ASEAN và quốc tế.
An Giang cũng hướng đến là thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước; là đích đến của các nhà đầu tư sản xuất-kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN. An Giang phấn đấu là địa phương gìn giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, đa dạng sinh học, phát triển bền vững mô hình kết hợp giữa du lịch tâm linh, du lịch sinh thái với thương mại hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của địa phương. Quốc phòng và an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Đặc biệt, Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định phát triển tỉnh An Giang trở thành trung tâm đầu mối nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo.
An Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt - là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer… cùng chung sống hòa thuận lâu đời, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú với 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích khảo cổ Óc Eo), 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. An Giang còn vinh dự, tự hào là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nơi có dãy Thất Sơn hùng vĩ, tỉnh đầu nguồn của dòng Cửu Long cuồn cuộn đổ về Đông.
An Giang có nhiều cảnh đẹp thu du khách tham quan. |
Với bề dày lịch sử-văn hóa, truyền thống cách mạng kiên cường, suốt chặng đường lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, con người An Giang có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thủy chung trong cuộc sống. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đạt được trong thời gian qua là kết tinh của truyền thống đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Lê Hồng Quang tin rằng, tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, trong chặng đường phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.