Đương thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định cho đào tuyến kênh T5 dài 48km xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra biển Tây, biến vùng đất phèn nơi đây thành vựa lúa.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn, Cao Quang Liêm cho biết, trước năm 1995, cánh đồng của huyện Tri Tôn thuộc Tứ giác Long Xuyên bị nhiễm phèn nặng, nước phèn đỏ quạch khiến gần như không có loài vật nào tồn tại được. Vì không có nước nên cá không thể sống được, thật sự là “cánh đồng chết”.
Trước đó, tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương như cấp đất cho dân vào khai thác; Đảng bộ, chính quyền địa phương tự lực đào mới một số kênh trong vùng nhưng sản xuất nhiều năm vẫn mất trắng vì không thoát được phèn. Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về công tác An Giang cùng với lãnh đạo tỉnh tìm hướng làm ngọt hóa vùng Tứ giác Long Xuyên.
Sau nhiều lần khảo sát cùng địa phương, trao đổi với các nhà khoa học và bà con nông dân, ngày 25/7/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định phóng tuyến kênh T5 và chỉ trong 4 tháng thi công (từ tháng 4 đến tháng 8/1997), tuyến kênh đào này hoàn thành. Kênh T5 dài 48km xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra biển Tây.…
Một đoạn kênh T5, dòng kênh đã thay đổi vùng đất phèn Tứ giác Long Xuyên thành vựa lúa. |
Trong 3 năm, từ năm 1997-1999, 3 tuyến kênh T4, T5, T6 đã hoàn thành nối vào kênh Vĩnh Tế băng vào vùng Tứ giác Long Xuyên chảy qua 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Việc xả lũ rửa phèn đã diễn ra nhanh chóng, vùng đất này đón lượng nước ngọt tràn vào đã tháo chua, rửa phèn giúp nhà nông an tâm làm lúa.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại kỳ họp lần thứ 14 năm 2009, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt; đồng thời, dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh này với một công viên văn hóa đẹp, thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đối với cố Thủ tướng.
Kênh Võ Văn Kiệt là tuyến giao thông thủy quan trọng nối liền kênh Vĩnh Tế, chạy dọc biên giới giáp Campuchia xuống tới vùng biển Kiên Giang. Dưới kênh ghe xuồng chở nông sản, hàng hóa thông thương, trên bờ là con đường trải nhựa liên tỉnh thẳng tắp, nhà cửa san sát. Kênh này tiếp nối kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà tạo nên lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên mảnh đất phương nam, biến vùng đất phèn, “đất chết” ngày nào trở thành vùng đất lúa bạt ngàn; thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư phát triển.