An Giang chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

NDO -

Ngày 14-10, UBND tỉnh An Giang cho biết, đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025. 

Người dân An Giang đang tái đàn nuôi lợn, sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Người dân An Giang đang tái đàn nuôi lợn, sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng.

UBND tỉnh đề nghị UBND các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân tăng cường công việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, nâng cao chuyên môn về nhận thức, về công tác ứng phó và phòng, chống khi xảy ra dịch bệnh cho nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn và người chăn nuôi; tăng cường công tác phòng, chống lợn nhập lậu, lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch triển khai gồm 10 nội dung: Chăn nuôi lợn an toàn sinh học; công tác thông tin, tuyên truyền; công tác giám sát dịch bệnh; lấy mẫu giám sát; tiêu hủy lợn, các sản phẩm từ lợn bệnh hoặc nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; khoanh vùng ổ dịch; kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn; quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn; thực hiện giải pháp an toàn sinh học và tái đàn sau khi hết dịch; tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyên, thị xã và thành phố, cơ quan liên quan triển khai thực hiện kế hoạch này.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi xảy từ ngày 21-5 đến 28-11-2019 tại 10 huyện, thị xã, thành phố, đã ảnh hưởng đến 1.255 hộ chăn nuôi lợn, số lợn bị dịch bệnh là 28.468 con phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 1,7 triệu tấn.

Cũng theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trước đó, do ảnh hưởng từ dịch tả lợn nên đàn lợn trong tỉnh giảm sút, trong khi đó giá lợn hơi tại Việt Nam có giá cao hơn giá lợn tại Cambodia, nên thương lái đã tìm cách vận chuyển lợn nhập lậu từ Cambodia vào Việt Nam. 

Trong sáu tháng đầu năm 2020, ngành chức năng đã phát hiện bắt giữ 26 vụ vận chuyển lợn lậu từ Cambodia vào Việt Nam với tổng số lợn là 229 con, trong đó, lực lượng biên phòng tỉnh bắt giữ 13 vụ, với số lượng 176 con. Ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chín vụ vận chuyển lợn, với số tiền phạt hơn 56 triệu đồng.