Chợ nhân đạo do Hội CTÐ Việt Nam tổ chức trên cơ sở huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, nhằm phục vụ miễn phí người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh. Chợ được tổ chức tại địa điểm thuận tiện, thân thiện đối với người dân, thường là các điểm sinh hoạt công cộng, có đủ không gian như: nhà văn hóa, trụ sở các tỉnh, thành Hội CTÐ, sân trường học; tại các siêu thị, trong các chợ dân sinh, chợ truyền thống của cộng đồng. Chợ bao gồm các quầy hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng tùy theo khả năng vận động của Hội CTÐ địa phương, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nguồn hàng có được có thể là từ việc thu mua nông sản thiết yếu từ người nông dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh tại địa phương; do các doanh nghiệp đồng tổ chức và cung cấp theo hình thức trợ giá hay từ các tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện thu gom, lập quầy cung cấp tại chợ…
Tùy theo tiêu chí hỗ trợ của mỗi đợt mở Chợ nhân đạo, cán bộ Hội CTÐ phối hợp các ban, ngành, địa phương lựa chọn đối tượng hưởng lợi là những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, trong đó tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch Hội CTÐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: "Mô hình Chợ nhân đạo đặc biệt phù hợp áp dụng khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh khiến người dân bị ảnh hưởng nặng nề, không còn khả năng bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hằng ngày trong một thời gian nhất định. Mô hình này cũng phù hợp để áp dụng trong các chương trình hỗ trợ nhân đạo theo sự kiện như: Chợ Tết phục vụ người dân nghèo trong dịp Tết cổ truyền, Chợ cho trẻ em nghèo trong dịp Tết Trung thu".
Ðược biết, mô hình Chợ nhân đạo được Hội CTÐ Việt Nam triển khai vào tháng 5 - "Tháng nhân đạo" 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn và thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. T.Ư Hội CTÐ Việt Nam đã chỉ đạo Hội CTÐ các tỉnh, thành phố triển khai đồng loạt mô hình này, tập trung cao điểm trong tháng 5-2020, giao chỉ tiêu toàn hệ thống Hội hỗ trợ 100.000 phiếu đổi hàng, mỗi phiếu đổi hàng trị giá thấp nhất 100.000 đồng cho những người bị mất thu nhập do dịch Covid-19, trong đó tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả thực hiện, từ 4,5 tỷ đồng do T.Ư Hội CTÐ hỗ trợ ban đầu, chỉ trong thời gian ngắn, các cấp Hội đã vận động, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, cá nhân cùng tham gia trực tiếp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tổ chức được 451 phiên Chợ nhân đạo, cấp 111.294 phiếu mua hàng với tổng trị giá đạt gần 35 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Mô hình "Chợ Tết nhân đạo" được T.Ư Hội CTÐ Việt Nam triển khai trên khắp 63 tỉnh, thành phố đã chia sẻ những khó khăn cho rất nhiều các hộ gia đình, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam. Thời gian tổ chức ít nhất từ một đến hai ngày với nhiều mặt hàng phục vụ Tết. Trong phiên chợ khuyến khích sử dụng các sản phẩm của người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn, hỗ trợ người dân địa phương bao tiêu sản phẩm phù hợp phiên chợ Tết. Các phiên chợ cần kết hợp hỗ trợ các mặt hàng Tết có trợ giá để phục vụ các đối tượng khác nhau; bảo đảm công tác vệ sinh, môi trường, hạn chế việc sử dụng túi ni-lông; khuyến khích sử dụng làn nhựa để người dân sử dụng lại nhiều lần. Ngoài ra, các tỉnh có thể tổ chức Chợ nhân đạo lưu động theo hình thức phối hợp các doanh nghiệp thương mại, siêu thị tổ chức điểm bán hàng lưu động tại những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện kinh tế và đi lại còn khó khăn.
Vừa qua, Hội CTÐ tỉnh Thanh Hóa phối hợp UBND thành phố Sầm Sơn tổ chức chương trình Chợ Tết Nhân đạo năm 2021. Phiên chợ Tết được trưng bày thành sáu gian hàng miễn phí gồm các mặt hàng là lương thực, thực phẩm, quần áo và đồ dùng gia đình, người dân được lựa chọn các mặt hàng phù hợp. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao 10 suất quà tặng các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của TP Sầm Sơn, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng; tặng phiếu nhận hàng trị giá 300.000 đồng cho 150 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà Cao Thị Mai, một trong những người tham gia phiên chợ xúc động chia sẻ: "Tôi rất cảm ơn chương trình đã mang lại cho bà con buổi chợ đông vui, đầy ý nghĩa. Những mặt hàng ở phiên chợ là những đồ dùng thiết yếu đối với chúng tôi, giúp những người yếu thế có một mùa Tết ấm no, đầy đủ hơn".
Cầm trên tay các phần quà được trao tặng tại Chương trình "Chợ Tết Nhân đạo - Tết ấm yêu thương do Hội CTÐ thành phố Hà Nội phối hợp UBND quận Thanh Xuân tổ chức, chị Phạm Thị Hoa (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) không giấu nổi niềm xúc động. Hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, chị một mình nuôi con ăn học. Chị cho biết: "Những món quà không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn là sự động viên rất lớn về tinh thần của Hội CTÐ thành phố Hà Nội đối với chúng tôi. Qua đó, vơi đi phần nào những thiếu thốn, giúp tôi cảm nhận được sự sẻ chia, gắn kết, yêu thương từ cộng đồng".
Chương trình Chợ Tết Nhân đạo - Tết ấm yêu thương, với sự tham gia của hơn 320 người dân và các em học sinh trên địa bàn quận Thanh Xuân là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động chăm lo Tết tới những mảnh đời khó khăn trong xã hội. Thông qua chương trình, Hội CTÐ TP Hà Nội mong muốn cùng với các cấp, các ngành góp phần chăm lo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người kém may mắn trong xã hội được đón một năm mới vui vẻ, hạnh phúc và ấm áp.
Minh Châu