Trong những ngày cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão của dân tộc, rất nhiều địa phương trong cả nước đã liên tục tổ chức trao tặng, khánh thành nhà Đại đoàn kết tặng người nghèo - Những ngôi nhà thấm đậm tình nghĩa nhân văn, nhân ái và không khí ấm áp của mùa xuân mới.
Những căn nhà mới đón người nghèo
Tại tỉnh Quảng Ngãi, những ngày cận Tết Nguyên đán, hơi ấm mùa xuân len lỏi khắp các bản làng vùng cao. Trong căn nhà nhỏ còn vương mùi vôi vữa, vợ chồng ông Phạm Văn Du, thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhất ở thôn Hóc Đô, xã vùng cao Ba Vinh, huyện miền núi Ba Tơ đang tất bật thu dọn, sắp xếp lại đồ đạc để chuẩn bị đón Tết. Ông Du bộc bạch, bao năm qua, dù bươn chải gắng hết sức mình song do hay đau ốm nên cuộc sống cũng chỉ đắp đổi qua ngày.
Cuộc sống vốn đã khốn khó cho nên việc sửa lại căn nhà xập xệ, dột nát là điều ngoài sức tưởng tượng của vợ chồng ông. Vì thế, khi nghe được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn chung tay đóng góp của doanh nghiệp để xây dựng nhà Đại đoàn kết, vợ chồng ông Du đã khóc vì hạnh phúc.
Từ kinh phí hỗ trợ cộng thêm chút đỉnh của gia đình tích cóp, căn nhà mới chừng 35m2, tường xây, mái lợp tôn, nền lát gạch men đã hoàn thành. Mơ ước về một ngôi nhà mới tưởng chừng như xa vời giờ đã hiện hữu trước mắt. "Lần đầu gia đình được đón Tết trong căn nhà mới khang trang, bà con trong thôn đến chia vui rất đông. Niềm vui nhân lên, tình người ấm áp", ông Du cảm động.
Cũng như gia đình ông Du, gia đình ông Hồ Văn Sự, một hộ nghèo ở xã vùng cao Trà Giang, huyện miền núi Trà Bồng vui mừng đón Tết trong căn nhà mới kiên cố, khang trang. Từ nguồn vận động 50 triệu đồng của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi cùng sự giúp đỡ ngày công lao động, nguyên vật liệu của bà con chòm xóm, gia đình ông Sự đã xây dựng được ngôi nhà Đại đoàn kết kiên cố, thay thế cho căn nhà tạm bợ, hư hỏng lâu nay.
"Cảm ơn sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và các đơn vị tài trợ, góp sức của cộng đồng đã giúp gia đình tôi có được căn nhà mới để đón Tết, vui xuân. Giờ không phải lo chuyện nhà cửa nữa, an tâm làm ăn để nhanh chóng thoát nghèo", ông Sự xúc động.
Chúng tôi đến huyện Vị Xuyên (Hà Giang), gặp ông Đặng Văn Đinh, thôn Nà Vàn, xã Tùng Bá, năm nay đã 68 tuổi, nhà neo đơn, sức khỏe lại yếu và cách đây mấy tháng, ông vẫn đang phải sống trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo. Đầu năm nay, thôn Nà Vàn họp, thống nhất bầu chọn gia đình ông Đinh được hưởng chương trình hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết. Ông Đinh sống một mình, sức khỏe lại kém nên trong quá trình làm nhà, xã và thôn cắt cử cán bộ và huy động nhân dân đến giúp.
Cuối tháng 9/2022, ngôi nhà rộng gần 60m2 khang trang, sạch đẹp đã hoàn thành, ngồi trong ngôi nhà mới, ông Đinh xúc động nói: "Nhờ sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc, cán bộ xã, thôn cho nên tôi mới có nhà mới để ở, từ nay không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa gió. Nếu không có sự hỗ trợ này, không biết đến bao giờ tôi mới có tiền để xây nhà mới, ổn định cuộc sống".
Chung niềm vui đó, gia đình anh Hoàng Văn Khoanh, thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) vừa vào nhà mới cuối tháng 11/2022. Gia đình anh Khoanh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vợ ốm yếu, hai con còn nhỏ.
Anh luôn mơ ước dựng được ngôi nhà khang trang để vợ, con có chỗ ở ổn định. Ước mơ đó trở thành hiện thực khi gia đình anh được thôn bầu chọn hưởng hỗ trợ kinh phí xây nhà Đại đoàn kết. Ngồi trong ngôi nhà rộng hơn 60m2 vừa mới khánh thành, anh Khoanh cho biết: "Đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi và cả gia đình cố gắng, vươn lên trong cuộc sống. Giờ vợ con đã có nhà kiên cố, tôi rất yên tâm, dự định năm 2023 sẽ đi lao động ở các khu công nghiệp trong nước để có tiền trang trải, vươn lên thoát nghèo".
Dịp Tết vừa qua, hàng nghìn người nghèo tại nhiều địa phương trong cả nước vui mừng được về ở trong những căn nhà mới. Như tại tỉnh An Giang, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh vừa phối hợp Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang bàn giao 374 căn nhà Đại đoàn kết tặng các hộ nghèo.
Đáng chú ý, chất lượng xây dựng nhà Đại đoàn kết ngày càng khang trang, bảo đảm đúng "3 cứng". Ngay trước Tết Nguyên đán, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước đã tổ chức trao nhà Đại đoàn kết tặng 23 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của các xã Lộc Khánh, Lộc Thuận, Lộc Thái, huyện Lộc Ninh.
Mỗi căn nhà có diện tích sử dụng từ 37-110m2, được xây dựng trên đất của gia đình, với kết cấu nhà tường xây, nền lát gạch men, tổng giá trị xây dựng 23 căn nhà hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, có 20 căn do Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bình Phước hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, 3 căn do Quỹ Vì người nghèo huyện hỗ trợ 240 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình đóng góp thêm.
Tạo nguồn lực để xây nhà Đại đoàn kết
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Nhiều địa phương đã hoàn thành tốt việc hỗ trợ xây dựng và bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng người nghèo. Có nhiều tỉnh đã xây dựng, trao tặng hơn 1.000 nhà, tiêu biểu như: An Giang hỗ trợ 2.235 nhà; Sóc Trăng hỗ trợ 2.228 nhà; Vĩnh Long hỗ trợ 1.716 nhà; Điện Biên hỗ trợ 1.353 nhà; Đồng Tháp hỗ trợ 1.284 nhà.
Nhiều địa phương đã nỗ lực bàn giao với số lượng lớn, như: Bắc Ninh hỗ trợ 850 nhà ở cho các hộ nghèo; Sơn La hỗ trợ 825 nhà Đại đoàn kết; Kiên Giang xây dựng 784 nhà Đại đoàn kết... Rất nhiều tỉnh, thành phố khác đã xây dựng và trao tặng người nghèo từ 300 nhà trở lên.
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) Lê Kim Trinh cho biết, hầu hết các nhà Đại đoàn kết xây tặng hộ nghèo trên địa bàn huyện có tổng trị giá bình quân khoảng 70 triệu đồng/nhà, trong khi đó nguồn tiền hỗ trợ chủ yếu là 50 triệu đồng.
Để bảo đảm căn nhà theo tiêu chí "3 cứng" (nền-móng cứng, khung-tường cứng, mái cứng), ngoài số tiền hỗ trợ trực tiếp, Mặt trận ở các địa phương còn vận động nhiều nguồn lực khác như vật liệu, ngày công giúp các hộ nghèo xây căn nhà vững chãi, có giá trị sử dụng từ 20 năm trở lên.
Việc xây dựng nhà Đại đoàn kết được Mặt trận các địa phương trong tỉnh triển khai rất kỹ lưỡng từ rà soát, xét chọn đối tượng công khai, minh bạch. Năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã vận động, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 489 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng, trong đó dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã bàn giao, đưa vào sử dụng 247 nhà, với tổng số tiền hơn 14,8 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Bùi Đức Thọ cho biết, khảo sát cho thấy, toàn tỉnh có 11.588 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở ổn định hoặc có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, đang rất cần cộng đồng chia sẻ giúp đỡ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, mới đây, tỉnh đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho khoảng 4.345 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Trà Bồng, Sơn Tây, với tổng kinh phí hơn 335,4 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh tiếp tục kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều" với tinh thần "nhường cơm sẻ áo", tích cực tham gia đóng góp ủng hộ xây dựng Quỹ Vì người nghèo, để có thêm nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trưởng Ban Tuyên giáo-phong trào (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang) Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Cuối năm 2022, tỉnh Hà Giang tổng kết chương trình, số kinh phí tỉnh huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh để thực hiện chương trình lên đến hơn 400 tỷ đồng.
Đây được đánh giá là chương trình huy động xã hội hóa có số tiền lớn nhất tại tỉnh từ trước đến nay. Bên cạnh huy động kinh phí từ các nhà hảo tâm, chương trình cũng nhận được gần 342 nghìn ngày công đóng góp để thực hiện.
Trong những năm tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục rà soát để triển khai chương trình làm nhà Đại đoàn kết, xóa nhà tạm cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình xóa nhà tạm do Tỉnh ủy Hà Giang phát động, tỉnh đối mặt với những khó khăn trong công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Nguyên nhân là những hộ cần xóa nhà tạm đều là hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lại sống ở những thôn vùng cao, giao thông đi lại phức tạp, giá vật liệu xây dựng cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu xóa nhà tạm ở tỉnh vùng cao còn rất lớn, trong khi nguồn kinh phí vận động tài trợ Quỹ Vì người nghèo cấp tỉnh, cấp huyện ở vùng cao hạn chế, rất khó đáp ứng nhu cầu xóa nhà tạm tại địa phương.