Ai Cập: Va chạm tàu chở dầu gây gián đoạn giao thông ở kênh đào Suez

Tàu BW Lesmes mang cờ Singapore, chở LNG, gặp sự cố kỹ thuật vào tối 22/8 và mắc cạn khi đi qua Kênh đào Suez. Sau đó, tàu Burri chở dầu mỏ, gắn cờ quần đảo Cayman, đã va chạm phải tàu trên.
0:00 / 0:00
0:00
Vụ va chạm giữa hai tàu đã gây gián đoạn giao thông trên kênh Suez. (Nguồn: AP)
Vụ va chạm giữa hai tàu đã gây gián đoạn giao thông trên kênh Suez. (Nguồn: AP)

Ngày 23/8, chính quyền Ai Cập cho biết đã xảy ra vụ va chạm giữa 2 tàu vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên Kênh đào Suez, gây gián đoạn giao thông qua tuyến đường thủy toàn cầu này.

Trong một tuyên bố, Cơ quan Quản lý Kênh Suez nêu rõ tàu BW Lesmes mang cờ Singapore, chở LNG, đã gặp sự cố kỹ thuật vào tối 22/8 và mắc cạn khi đi qua kênh đào này.

Sau đó, tàu Burri chở các sản phẩm dầu mỏ, gắn cờ quần đảo Cayman, đã va chạm phải tàu BW Lesmes.

Hai phương tiện này nằm trong nhóm các tàu vận tải đi từ Địa Trung Hải đến Biển Đỏ. Vụ va chạm giữa hai tàu đã gây gián đoạn giao thông trên kênh Suez.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, Đô đốc Ossama Rabei, cho biết lực lượng chức năng đã ngay lập tức xử lý sự cố, lai dắt tàu BW Lesmes cũng nỗ lực hỗ trợ để tàu Burri di chuyển trở lại. Dự kiến hoạt động giao thông sẽ nối lại bình thường trên cả hai hướng trong những giờ tới.

Các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy không có thiệt hại đáng kể nào đối với tàu Burri.

BW LNG AS, nhà điều hành tàu BW Lesmes, xác nhận tất cả các thuyền viên trên tàu đều an toàn, cũng như không có báo cáo nào về vấn đề ô nhiễm sau vụ va chạm.

BW LNG AS cho biết một đội kỹ thuật từ Oslo, Na Uy sẽ tới đây vào ngày 30/8 để điều tra vụ việc.

Tháng 3/2021, siêu tàu chở container Ever Given gắn cờ Panama bị mắc cạn chắn ngang Kênh đào Suez, làm tắc nghẽn tuyến hàng hải quan trọng này trong 6 ngày.

Một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn đã được triển khai với sự tham gia của một đội tàu lai dắt.

Sự cố này gây thiệt hại 9 tỷ USD mỗi ngày đối với thương mại toàn cầu và gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng vốn đã bị đứt gãy nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Kênh đào Suez đi vào hoạt động kể từ năm 1869, là tuyến vận tải hàng hải quan trọng đối với các tàu chở dầu, LNG và nhiều loại hàng hóa khác. Khoảng 10% hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới được vận chuyển qua kênh đào này, tạo nguồn thu ngoại tệ chính cho Chính phủ Ai Cập.

Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, năm ngoái có 23.851 tàu đi qua tuyến đường thủy này, tăng cao so với 20.649 tàu ghi nhận năm 2021.

Thu ngân sách năm 2022 của Ai Cập từ Kênh Suez đạt 8 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử của nước này.