Thông tin lan truyền
Trước đó, tin đồn lan truyền thông qua các tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội cho rằng SCA đã ký hợp đồng với một công ty để quản lý các dịch vụ của Kênh đào Suez theo một hợp đồng nhượng quyền có thời hạn 99 năm.
Kiểm chứng
Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie đã bác bỏ tin đồn lan truyền về việc Ai Cập sẽ bán Kênh đào Suez cho một công ty nước ngoài theo một thỏa thuận nhượng quyền có thời hạn 99 năm.
Tờ Egypt Independent ngày 4/2 dẫn lời ông Rabie cho biết những tin đồn này hoàn toàn sai sự thật, đồng thời khẳng định chủ quyền của Ai Cập về tất cả các mặt chính trị và kinh tế đối với Kênh đào Suez thông qua việc quản lý, vận hành và duy trì cơ sở hàng hải của tuyến đường thủy quan trọng này.
Ông Rabie tuyên bố SCA cam kết thực hiện các trách nhiệm xã hội bằng cách công bố tất cả các hợp đồng của mình dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm các hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ..., đồng thời công khai các điều khoản của những thỏa thuận đó.
Người đứng đầu SCA nêu rõ việc bảo vệ lợi ích quốc gia, duy trì khả năng của SCA và phát triển các tài sản của SCA là cơ sở của tất cả những hợp đồng được SCA ký kết. Ông Rabie nhấn mạnh điều này không thể hạ thấp chủ quyền của Ai Cập đối với Kênh đào Suez cũng như tất cả các cơ sở của tuyến hàng hải này, vốn được bảo vệ theo hiến pháp của Ai Cập.
Chủ tịch SCA chỉ rõ Điều 43 của hiến pháp Ai Cập quy định nhà nước cam kết bảo vệ, phát triển và bảo tồn Kênh đào Suez như một tuyến đường thủy quốc tế thuộc sở hữu của đất nước Kim tự tháp, đồng thời cam kết phát triển khu vực Kênh đào Suez thành một trung tâm kinh tế lớn.
Hôm 3/2, Tổng điều phối Đối thoại Quốc gia đồng thời là Chủ tịch Cơ quan Quản lý thông tin Nhà nước Ai Cập (SIS), ông Diaa Rashwan cũng khẳng định Kênh đào Suez không chỉ là một tuyến đường thủy ở Ai Cập, mà còn là biểu tượng của lịch sử hiện đại của Ai Cập kể từ khi được xây dựng vào năm 1805.
Là tuyến đường thủy quan trọng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, Kênh đào Suez chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập. Năm 2022, doanh thu của Kênh đào Suez đã đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD, tăng mạnh từ mức 6,3 tỷ USD của năm 2021.
Trong tháng 1/2023, Kênh đào Suez đã đạt doanh thu hàng tháng cao nhất trong lịch sử là 802 triệu USD, cao hơn 56,4 triệu USD so mức kỷ lục ghi nhận vào tháng 8/2022.