99,5% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời

NDO - Các kiến nghị đặc biệt tập trung vào 5 lĩnh vực: Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình. (Ảnh: DUY LINH)
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng ngày 23/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5.

Các kiến nghị tập trung vào 5 lĩnh vực

Thông qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đã tiếp 2.751 kiến nghị từ cử tri; trong đó, 99,5 % kiến nghị đã được chuyển kiến nghị đến cơ quan chức năng để giải quyết, trả lời.

Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.

Các kiến nghị tập trung vào 5 lĩnh vực: Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường.

Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

5 hạn chế tồn đọng

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cũng nêu thêm 5 hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thứ nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định.

Thứ hai, việc xây dựng trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ, ngành còn hạn chế, có quy định trong văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với luật.

Thứ ba, một số kiến nghị của cử tri có phạm vi áp dụng trong toàn quốc nhưng chưa được kịp thời giải quyết

Thứ tư, một số kiến nghị của cử tri liên quan đến việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Thứ năm, một số bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Trưởng Ban Dân nguyện đưa ra hai kiến nghị với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể:

Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội: các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan ở Trung ương; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.