Để trung tâm dịch vụ việc làm thích ứng trong đại dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, 83 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã phải tự chuyển mình. Qua đó, linh hoạt và đa dạng hóa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với điều kiện đại dịch.

Lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Minh Duy)
Lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Minh Duy)

Gần 1.200 phiên giao dịch việc làm mỗi năm

Trên toàn quốc hiện có 83 trung tâm dịch vụ việc làm, giảm 45 trung tâm so với năm 2015.

Trong số này, có 63 trung tâm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và 20 trung tâm thuộc các tổ chức chính trị - xã hội quản lý.

Để trung tâm dịch vụ việc làm thích ứng trong đại dịch -0
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhận định, chất lượng hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm là mối quan tâm của xã hội, bởi tổ chức này không đơn thuần chỉ thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm thông thường như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Các trung tâm còn tham gia thực hiện các chính sách, chương trình điều tiết thị trường lao động ở địa phương như thông tin thị trường lao động, tư vấn, chắp nối việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ duy trì việc làm, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Quan trọng nhất là thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cả nước bình quân mỗi năm tư vấn được gần 2,3 triệu lượt lao động, gần 1.200 phiên giao dịch việc làm được tổ chức. Đồng thời, kết nối giới thiệu việc làm thành công cho từ 800-900 nghìn người, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 800 nghìn người. Đây là những chỉ số thể hiện hiệu quả hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm.

Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm còn có những hạn chế, đặc biệt là việc thu thập, tổng hợp phân tích và dự báo thị trường lao động... Theo đó, hệ thống thông tin thị trường lao động còn rời, rạc, chưa được liên thông giữa các địa phương, các vùng, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa kết nối, chia sẻ được với các cơ sở dữ liệu khác.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong gần 2 năm qua, nhất là từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã tích cực chuyển mình, linh hoạt và đa dạng hóa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.

Cụ thể, bên cạnh hình thức tư vấn tập trung cho người lao động đến đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp các chính sách, pháp luật về việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm cũng tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến hoặc qua mạng xã hội. Bước đầu, giải pháp này đã nhận được những phản hồi, đánh giá tích cực từ cả người lao động và doanh nghiệp.

Để trung tâm dịch vụ việc làm thích ứng trong đại dịch -0
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, Nguyễn Thị Thu Hiền (Ảnh: Thiên Vương)

Từ thực tế địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, việc kết nối thông tin về thị trường lao động việc làm, giúp người lao động tìm được việc làm tốt trong điều kiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát rất quan trọng.

Cụ thể, cần tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và lao động. Các đơn vị chức năng cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp tại địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố nên kết nối, nắm bắt thông tin lao động có nhu cầu trở lại Đồng Nai làm việc. Qua đó, có phương án hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho người lao động trở lại làm việc, và lao động của tỉnh đến làm việc tại các địa bàn khác.

Khắc phục những hạn chế

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin thêm, sau khi địa phương này mở cửa trở lại trong điều kiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thống kê nhanh tại hơn 300 doanh nghiệp ở địa bàn cho thấy, các doanh nghiệp cần khoảng 35.000 - 40.000 lao động để khôi phục hoạt động sản xuất và đáp ứng các đơn hàng. Qua đó, bù đắp lại thời gian hơn 3 tháng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch dịch.

Do đó, bà Hiền rất mong Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm xây dựng chương trình kết nối thị trường lao động giữa các vùng, các địa phương để các tỉnh và doanh nghiệp kết nối nhu cầu thị trường lao động.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy cho hay, để phát huy vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, khắc phục những hạn chế hiện nay về công tác thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp.

Trước hết, rà soát, sắp xếp, tổ chức hoạt động của trung tâm theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cải cách cơ chế tài chính, chính sách cán bộ của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của chính sách này, để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động

Song song với đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ như thu thập, phân tích dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động; đa dạng hóa các hình thức tổ chức giao dịch việc làm, tổ chức kết nối thông tin cung cầu lao động giữa các địa phương trong khu vực.

Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm có sự kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội,...

Cuối cùng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các trung tâm để dần hiện đại hóa hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, của chuyển đổi số.

Lao động và việc làm