60% sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trong nước

NDO - Nếu như trước đây 90% sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải nhập khẩu thì hiện nay con số này giảm xuống còn 40%. 60% thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trong nước với nhiều ưu việt về chất lượng sản phẩm. 
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại lễ ra mắt Viện Thực phẩm chức năng.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại lễ ra mắt Viện Thực phẩm chức năng.

Sáng 27/10, Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) tổ chức buổi lễ ra mắt giai đoạn 1 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là dược liệu, hoạt chất sinh học có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Nếu như các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở nước ngoài thuần vitamin, khoáng chất hoặc chỉ dược liệu thì các sản phẩm này của Việt Nam có sự phối kết hợp của vitamin, chất khoáng, hoạt chất sinh học, thảo dược. Bởi vậy, các sản phẩm nội địa có tác dụng nhanh, bền vững hơn so với thế giới.

Kể từ khi có Hiệp hội Thực phẩm chức năng, tỷ lệ tiếp cận của người dân Việt Nam với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lên tới 80%. Nếu như công nghiệp dược hiện nay nhập khẩu tới 99%, Việt Nam chỉ gia công đóng gói thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện chỉ nhập khẩu 40%, điều đó cho thấy chúng ta đã chủ động về nguyên liệu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030, một trong những định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ là việc nghiên cứu phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Viện Thực phẩm chức năng ra mắt là minh chứng cho quá trình nỗ lực vươn mình phát triển, để có thể trở thành 1 trong 5 viện khoa học hàng đầu ASEAN về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên và đặc biệt là nguyên liệu có nguồn gốc công nghệ sinh học.

"Tôi hy vọng Viện Thực phẩm chức năng sẽ là một trong những cơ sở hàng đầu trong cả nước triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng, các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên và các hoạt chất công nghệ sinh học; chuyển giao công nghệ cho các đơn vị và doanh nghiệp trong và ngoài nước, kết nối các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Viện Thực phẩm chức năng hoạt động đa lĩnh vực, gồm có: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; Dịch vụ khoa học công nghệ; Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm là kết quả của quá trình nghiên cứu.

60% sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trong nước ảnh 1

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.

Theo dược sĩ Hoàng, hệ thống máy móc tại Viện đều phát hiện được các chất cấm dù là hàm lượng rất nhỏ chất cấm, chất gây ô nhiễm trong các sản phẩm. Việc này giúp cho công tác quản lý hậu kiểm.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, kiểm nghiệm, Viện Thực phẩm chức năng có 3 trung tâm và 1 xưởng thí nghiệm với hệ thống trang thiết bị hiện đại vào loại bậc nhất tại Việt Nam.

Hiện nay tại Việt Nam chỉ có duy nhất VIDS có phòng thí nghiệm được thiết kế một chiều cho cả con người, dụng cụ, nguyên vật liệu và mẫu đạt tiêu chuẩn phòng sạch theo quy định chung của thế giới. Trung tâm có Hội đồng đạo đức để đánh giá lâm sàng các sản phẩm.

Phòng phân tích Hóa-Dược liệu để nghiên cứu xây dựng hơn 250 quy trình định tính dược liệu. Trung tâm Công nghệ Sinh học đã xây dựng hệ thống labo hoàn chỉnh, đầu tư mua sắm các trang thiết bị, máy móc tiên tiến phục vụ cho hoạt động phân lập, nuôi cấy, đánh giá đặc tính và độ ổn định chủng giống dùng trong nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm.

VIDS cũng đã bào chế ra được nhiều loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe con người, có thể kể đến như là: Lactobacillus Acidophilus, Immunepath-Ip, Lactobacillus Paracasei...

"Viện Thực phẩm chức năng cam kết tiên phong đi đầu trong sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bằng sức sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, chúng tôi muốn chung sức liên kết với cộng đồng cùng tạo ra giá trị thực tiễn lớn lao, đậm đà bản sắc văn hóa Việt", dược sĩ Hoàng cho hay.

Để dẹp loạn tình trạng các sản phẩm nhái nhãn mác, nhái công nghệ sản xuất của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe chất lượng, hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo quy chuẩn về các giới hạn các chất ô nhiễm có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tới đây, Bộ Y tế có thể đặt ra tiêu chuẩn bảo vệ chất lượng với thực phẩm bảo vệ sức khỏe như các sản phẩm thuốc.

Đứng đầu Viện Thực phẩm chức năng là Viện trưởng - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng. Đồng sáng lập là Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.

Chỉ đạo các hoạt động chuyên môn và kỹ thuật của Viện Thực phẩm chức năng là Viện phó - Thạc sĩ Bùi Thị Hòa, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương.