Kiểm soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang mạng

Sai phạm trong quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội hiện đang là một vấn đề "nóng".

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TPBVSK. Tổng số tiền phạt lên tới gần ba tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: quảng cáo công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố; quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo…

Ðáng chú ý, mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên đăng tải thông tin cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với các quảng cáo TPBVSK (hay còn gọi là thực phẩm chức năng) trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội do vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng… nhưng các vi phạm vẫn diễn ra. Một "điểm chung" là sau khi có các quảng cáo, cơ quan chức năng mời đơn vị công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm lên làm việc, nhưng đại diện các doanh nghiệp này khẳng định không thực hiện quảng cáo sản phẩm và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm quảng cáo đó...

Mặt khác, các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo TPBVSK thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt thấp, chưa đủ sức răn đe. Kể từ khi sản phẩm được quảng cáo, cho đến khi bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, thì nhiều TPBVSK đã "tung hoành" trên thị trường trong một thời gian dài để lừa dối người tiêu dùng. Có không ít tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm quy định về quảng cáo, chấp nhận bị xử phạt để tiếp tục bán hàng, quảng cáo các TPBVSK khác…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên được xác định là do nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPBVSK vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình quảng cáo và tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Không ít người tham gia vào quảng cáo sai quy định do không hiểu biết các quy định của pháp luật, vô tình tiếp tay cho các cơ sở, cá nhân làm ăn gian dối. Mặc dù đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm TPBVSK, nhưng hiện vẫn còn không ít cán bộ y tế tham gia vì nhiều lý do khác nhau…

 Ðáng lo ngại, khi phát hiện vi phạm thì nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh TPBVSK không thừa nhận các sản phẩm quảng cáo đó là của đơn vị mình, hoặc các chủ trang thông tin điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài cho nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể vi phạm để xử lý...

Để kiểm soát quảng cáo TPBVSK một cách có hiệu quả, trước hết các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát lại quy trình cấp phép quảng cáo sản phẩm TPBVSK, nhất là các giấy tờ có liên quan trước khi cấp phép như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP; ma-két quảng cáo của sản phẩm... Ðồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPBVSK được cấp giấy phép quảng cáo, nhất là các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo trên các trang thông tin điện tử; các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo.

Ðối với các trường hợp vi phạm về quảng cáo TPBVSK, bên cạnh việc phạt tiền cần buộc và có hình thức giám sát các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định. Cục An toàn thực phẩm cần phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm TPBVSK trên thị trường…

Về phía người tiêu dùng, tuyệt đối không mua những sản phẩm TPBVSK không ghi rõ TPBVSK trên nhãn mác, bao bì, nhất là những loại sản phẩm TPBVSK quảng cáo phần công dụng ghi là chữa bệnh, điều trị, hoặc chữa khỏi dứt điểm, hoặc sản phẩm tốt nhất… đều là những sản phẩm vi phạm…

KHÁNH HUY