55 ngày giành giật sự sống cho nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư

NDO - 27 cuộc hội chẩn xuyên ngày đêm với các chuyên gia trong và ngoài nước, sử dụng phác đồ điều trị tốt nhất, Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua 55 ngày để mang lại kỳ tích cứu sống nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini - Thiếu tá Nguyễn Văn Chương (công tác tại Lữ đoàn 21, Bộ Tư lệnh Biên phòng). Với các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, đây là một ca hồi sức đầy kỳ tích.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ chúc mừng người bệnh ra viện.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ chúc mừng người bệnh ra viện.

Hành trình giành giật sự sống

Người cha già ở tuổi thất thập cổ lai hy mừng vui đến tột độ khi nhìn đứa con trai mình đã trở về từ cõi chết sau 55 ngày nằm viện với nhiều ngày dài niềm hy vọng sống sót rất mong manh.

Ông Nguyễn Văn Chức (bố của Thiếu tá Nguyễn Văn Chương) dìu cậu con trai đang đi từng bước chậm rãi dọc hành lang ra viện chiều 6/11 không thể quên được những ngày tháng đau đớn mà gia đình ông vừa trải qua.

Đêm 13/9, ông nhận được cuộc gọi của con trai thông báo nhà cháy và sau đó bị mất liên lạc hoàn toàn. Nhen nhóm chút niềm hy vọng con trai vẫn còn cơ hội sống sót, tức tốc trong đêm ông cùng con trai lớn đi từ Sóc Sơn đến Thanh Xuân.

Cảnh tượng kinh hoàng, lửa thiêu rụi toàn bộ chung cư. Xe cứu thương hú còi liên tục. Lực lượng cứu thương chạy đua với thời gian để đưa từng nạn nhân ra ngoài. Cũng như như gia đình ông Chức, nhiều nhà nhìn vào từng tấm cáng chỉ với hy vọng, không phải là thi thể đã phủ tấm chăn kín.

55 ngày giành giật sự sống cho nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi chúc mừng gia đình Thiếu tá Chương.

Nhưng càng chờ, càng hỏi, ông càng không biết gia đình con trai mình đã được đưa đi chưa. Gần sáng, ông tắt niềm hy vọng, chỉ còn nghĩ đến việc đi kiếm thi thể gia đình con trai.

Ông chạy vào Bệnh viện Bạch Mai, đi khắp nơi từ Trung tâm Cấp cứu, Chống độc, cho đến Hồi sức cấp cứu, Nhi khoa đều không tìm thấy. Trong lúc tuyệt vọng, thì trưa ngày 13/9, ông tìm được con trai của mình nằm tại A9 trong trạng thái bất động. Trong lúc đau đớn tột cùng tưởng mất đi cả gia đình con trai, người cha già dường như đã tìm được sức mạnh trở lại.

"Chiều tối 13/9, gia đình tôi vô cùng đau xót khi nhận thi thể con dâu và hai cháu gái về để làm tang lễ. Chúng tôi chỉ mong có phép màu đến với Chương", ông Thức kể lại.

Rạng sáng ngày 13/9, anh Chương được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngay lập tức được đặt ống nội khí quản và thở máy.

Anh được chẩn đoán tổn thương do hít phải khói trong vụ cháy (ngộ độc khí CO và khí độc khác, bỏng hô hấp, hít bụi than), có tổn thương và suy đa cơ quan (suy hô hấp, viêm phổi, bỏng đường hô hấp, tổn thương tim, tổn thương não, thận, gan, cơ).

Còn sống là còn hy vọng. Ông Thức nghĩ vậy, nên ngày ngày ông túc trực ở bệnh viện và được vào thăm con sau giờ hành chính. Chứng kiến con từ lúc nằm im bất động, cho đến khi tiến triển dần, mỗi ngày ông Thức nuôi thêm hy vọng. Ông tâm sự, bấy giờ ông chỉ mong con được sống, dù thành tật, ông bà cũng sẽ nuôi con.

55 ngày giành giật sự sống cho nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư ảnh 2

Anh Chương bình phục và được xuất viện chiều 6/11.

Cuối tháng 9, khi những nạn nhân đầu tiên nằm tại Bệnh viện Bạch Mai được xuất viện, thì Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nỗi trăn trở của toàn bệnh viện là tìm mọi biện pháp tốt nhất để chạy chữa cho thiếu tá Chương.

Trong suốt 55 ngày nằm viện, anh phải nằm thở máy qua ống nội khí quản từ ngày 13/9 đến 21/9. Sau đó, hội đồng chuyên môn quyết định mở khí quản để người bệnh tự thở và có cơ hội thở oxy cao áp phục hồi tổn thương đa cơ quan do ngộ độc CO2. Đến ngày 5/10, bệnh nhân được rút ống nội khí quản.

55 ngày giành giật sự sống cho nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ chúc mừng Thiếu tá Nguyễn Văn Chương.

"Đến ngày thứ 6 nhập viện, khi rửa phổi cho bệnh nhân, bác sĩ vẫn thấy có màu đen kịt do ảnh hưởng của vụ cháy. Bệnh nhân cũng nhiều lần phá, giật dây truyền do ảnh hưởng của thần kinh. Trong 27 cuộc hội chẩn toàn viện, liên viện tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã xin ý kiến chuyên môn của các chuyên gia nước ngoài để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Ngoài việc điều trị tích cực còn được điều trị về tâm lý, phục hồi chức năng, dinh dưỡng và các chế độ điều trị khác", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

Là trường hợp hồi sức kỳ tích, anh Chương từng nằm điều trị tích cực tại Trung tâm Cấp cứu A9, Trung tâm Hồi sức tích cực, Trung tâm Chống độc với sự phối hợp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Viện Y học Biển, Viện Bỏng Quốc gia.

Bệnh nhân cần nhiều thời gian để bình phục

Chiều 6/11 được xuất viện, Thiếu tá Nguyễn Văn Chương có thể tự đi lại tốt, tự cầm bát ăn cơm, tuy nhiên chưa thực hiện được các động tác khó.

"Trí nhớ bệnh nhân đang dần phục hồi, từ mức mất hoàn toàn, dần hồi phục đều, hiện nhớ lại được nhiều thông tin cũ và mới, người quen, sự việc cơ bản. Bệnh nhân đã biết hỏi và lo về vợ con, nhớ lại công việc cơ quan, việc mới xảy ra vài ngày nhưng chưa đọc được chữ", Phó Giáo sư Cơ nói.

Trí nhớ bệnh nhân đang dần phục hồi, từ mức mất hoàn toàn, dần hồi phục đều, hiện nhớ lại được nhiều thông tin cũ và mới, người quen, sự việc cơ bản. Bệnh nhân đã biết hỏi và lo về vợ con, nhớ lại công việc cơ quan, việc mới xảy ra vài ngày nhưng chưa đọc được chữ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ

Đặc biệt, mặc dù lúc nhập viện hôn mê sâu, nhưng đến nay, bệnh nhân cải thiện tốt, chưa thấy các biểu hiện biến chứng muộn về tâm thần kinh nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ, cần theo dõi điều trị tiếp.

Người nhà anh Chương chia sẻ, khi tỉnh lại trên giường bệnh, anh Chương nhận ra bố, mẹ, anh trai và các đồng đội của mình. Thủ trưởng đơn vị hỏi thăm, anh vẫn giơ tay chào hỏi theo lễ nghi quân đội. Bố anh Chương cho biết, trong một tháng qua sau khi tỉnh lại, anh Chương biểu hiện khá chậm và thụ động, ít khi tự nói chuyện trước với mọi người. Khi được 49 ngày con dâu và cháu nội, gia đình mới dám cho anh Chương biết là anh đã không còn vợ con. "Lúc đó, con trai tôi khá bình tĩnh, rơm rớm nước mắt nhưng không hốt hoảng, lại quên ngay. Tôi nghĩ thần kinh của con mình vẫn còn tổn thương, chưa ổn định, chưa suy nghĩ được nhiều", ông Thức chia sẻ.

55 ngày giành giật sự sống cho nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư ảnh 4

Thiếu tá Nguyễn Văn Chương đã bình phục sức khỏe.

Chiều 6/11, anh Chương trở về gia đình mình ở Sóc Sơn, Hà Nội, thắp nén nhang tưởng nhớ tới vợ, con. Chưa nói được tròn vành, rõ chữ, nỗi đau còn ngấm dần sau khi đã biết tin vợ, con không còn, anh Chương chia sẻ chưa biết bắt đầu lại từ đâu. Giờ anh thấy sức khỏe đã dần bình phục nhưng mọi thứ vẫn còn rất lờ mờ, chưa nhớ được mọi thứ rõ ràng.

Trong nhiều năm làm hồi sức cấp cứu, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là bệnh nhân có sự hồi phục ngoạn mục. Đến nay, bệnh nhân không có biến chứng về vận động, dấu hiệu lâm sàng cải thiện từng ngày. Trong thời gian tới, anh Chương tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tại Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc phòng.