Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Thủ đô đã kiến nghị 50 nhóm vấn đề liên quan đời sống dân sinh, y tế, giáo dục, quản lý đất đai, thúc đẩy các dự án “treo”… gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri thành phố Hà Nội đánh giá cao và tin tưởng vào sự điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chủ trương, giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Bức xúc trước những vụ việc sai phạm, tham nhũng, lãng phí trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, lĩnh vực y tế, cử tri Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, tiêu cực mạnh mẽ, hiệu quả, công khai hơn.
Đề cập đến công tác xây dựng pháp luật, nhiều cử tri thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét, đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tế. Cụ thể như: giá đất đền bù trong giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất, hạn mức trong thuê đất nông nghiệp, công nhận hạn mức đất ở…
Cử tri cũng kiến nghị khi sửa đổi Luật Thủ đô, có những điều khoản, chính sách cụ thể tạo hành lang pháp lý hỗ trợ vấn đề khởi nghiệp cho thanh niên Thủ đô; tăng thẩm quyền, phân cấp cho thành phố trong quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị… Trong đó, cử tri kiến nghị Quốc hội cần quan tâm nghiên cứu có cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội, điển hình như trong phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng, đề án giãn dân quận Hoàn Kiếm, tuyến phố Tràng Tiền thành tuyến phố thời trang cao cấp…
Bức xúc trước tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai, cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội như dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc...
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát, có Nghị quyết đánh giá tổng rà soát về kết quả triển khai việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiện nay. Đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các xã, huyện được chuyển thành phường, quận, nhưng một số diện tích không được chuyển đổi thành đất đô thị mà vẫn là đất nông nghiệp gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng của người dân.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, tái giám sát việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế và hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước; phân bổ nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải…; xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch trong việc đầu tư thực hiện các dự án…