3,4 triệu người lao động hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói 6.600 tỷ đồng

NDO -

Sẽ có khoảng 3,4 triệu người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay lại thị trường lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà tối đa 3 tháng, với 2 mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng và 1 triệu đồng/tháng. Kinh phí được chi từ gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp báo thông tin về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. (Ảnh: Molisa)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp báo thông tin về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. (Ảnh: Molisa)

Chiều 30/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin về Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

“Kéo” người lao động quay trở lại thị trường

3,4 triệu người lao động hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói 6.600 tỷ đồng -0
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại họp báo.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, năm 2021, đặc biệt là đợt dịch thứ tư từ ngày 27/4/2021, thị trường lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng: nguồn cung lao động suy giảm do người lao động lo sợ dịch bệnh nên đã tạm thời rút khỏi thị trường; số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là trong khu vực cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội.

Do tác động của dịch Covid-19 đã có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu vực kinh tế trọng điểm.

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua các Nghị quyết ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, có quan hệ lao động, làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Với mục tiêu chính của chính sách là góp phần phục hồi thị trường lao động qua việc hỗ trợ, thu hút lao động quay lại thị trường. Chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân người lao động để phục hồi sản xuất kinh quanh, góp phần phục hồi kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, với việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, sẽ giúp người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất cùng với người sử dụng lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" được người lao động để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “thu hút” được lao động vào làm việc, hạn chế việc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu lao động; đặc biệt là hút trở lại những lao động do tác động của đại dịch Covid-19 đã phải di chuyển từ các trung tâm kinh tế xã hội về quê

Thủ tục đơn giản, thuận lợi cho người lao động

Theo Quyết định số 08, có hai nhóm chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Mức hỗ trợ: 500 nghìn đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện về thời gian thuê trọ: từ ngày 1/2 đến 30/6/2022. Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước 1/4/2022. Phương thức chi trả: hằng tháng hoặc có thể gộp 2 tháng, 3 tháng.

Đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng,

Thời gian thuê trọ từ ngày 1/4 đến 30/6/2022. Có hợp đồng lao động hông xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/6/2022. Phương thức chi trả là hằng tháng.

Cả hai nhóm đối tượng này phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải có tên trong danh sách trả lương.

Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết, với những biểu mẫu, hồ sơ đề nghị và trình tự thực hiện đây là những thủ tục đơn giản nhất có thể để tạo thuận lợi nhất cho người lao động nhanh chóng được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách. Tuy nhiên, phải hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Phó Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đinh Duy Hùng cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp trong thời hạn không quá 2 ngày.

Đây là sức ép vô cùng lớn. Vì vậy, trên cơ sở đơn của người lao động gửi lên, doanh nghiệp phải bảo đảm đúng đối tượng. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận nhanh theo hướng sử dụng giao dịch điện tử, hạn chế sử dụng tối đa hồ sơ giấy. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu hướng dẫn để việc xác nhận đúng đối tượng bảo đảm thời hạn đúng quy định.

Theo thống kê, trong hai đợt di chuyển lao động lớn xảy ra trong năm 2021 (cuối tháng 7 đầu tháng 8; đầu tháng 10) do tâm lý e sợ dịch Covid-19, không có việc làm, thu nhập bấp bênh không bảo đảm cuộc sống tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam, đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương. Điều này gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Lao động và việc làm