Kim chi Hàn Quốc trước biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh thời tiết nóng bất thường ảnh hưởng tới vụ mùa cải thảo, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ mùa sản xuất kim chi cao điểm sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
Cải thảo tại Hàn Quốc giảm về chất lượng và số lượng. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Cải thảo tại Hàn Quốc giảm về chất lượng và số lượng. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Kim chi là món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn tại Hàn Quốc và có thể làm từ các loại rau như củ cải, dưa chuột và hành lá, song loại kim chi nổi tiếng nhất được làm từ cải thảo hay còn gọi là bắp cải napa. Cải thảo phát triển tốt ở vùng có khí hậu mát mẻ và thường được trồng ở vùng núi, nơi nhiệt độ trong mùa hè thường thấp hơn 25oC.

Tuy nhiên, theo Cục Khí tượng Hàn Quốc, năm nay nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 tại nước này đạt mức cao nhất kể từ khi có số liệu thống kê toàn quốc từ năm 1973, với số đêm kỷ lục nhiệt độ duy trì ở mức 25oC hoặc cao hơn. Do vụ mùa hè bị ảnh hưởng, giá bán buôn đã tăng vọt lên 9.537 won (6,90 USD) cho một cây cải thảo vào giữa tháng 9 so mức khoảng 3.000 won (2,17 USD) vào đầu tháng 7. Theo Bộ Nông nghiệp, khi khí hậu mát mẻ hơn vào tháng 10, giá cải thảo trên mỗi cây đã hạ xuống 5.610 won (4,06 USD) và dự kiến sẽ giảm thêm vào cuối tháng 11 khi vụ mùa được cải thiện.

Các nhà khoa học, nông dân và nhà sản xuất Hàn Quốc xác nhận năm nay chất lượng và số lượng cải thảo đang giảm sút. Ông Kim Si-gap, một nông dân trồng cải thảo trong hơn 50 năm cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi đáng kể tới chất lượng và số lượng cây trồng. Nhiệt độ mùa hè tại tỉnh Gangwon, nơi canh tác gần như toàn bộ diện tích cải thảo ở Hàn Quốc, luôn ghi nhận mức trung bình là 25oC, thậm chí lên tới 30oC trong mùa hè năm nay. Dữ liệu của chính phủ cho thấy nhiệt độ cao và thời tiết thất thường đã làm giảm hơn một nửa diện tích trồng cải thảo kể từ những năm 2000. Lee Ha Yeon, một nghệ nhân làm kim chi nhận định: "Nếu tình trạng này tiếp diễn, chúng tôi có thể phải từ bỏ món kim chi cải thảo vào mùa hè”.

Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc dự đoán, nếu tình trạng BĐKH vẫn khó lường như hiện tại, diện tích trồng cải thảo tại Hàn Quốc sẽ chỉ còn khoảng 40 ha trong 25 năm nữa và năm 2090 sẽ không còn ha nào ở vùng cao. Ông Kim Si-gap cho biết: “BĐKH khiến chi phí sản xuất tăng cao. Thời tiết nắng nóng khiến cây trồng mắc nhiều loại bệnh và sâu bệnh nên chúng tôi phải liên tục sử dụng các chất hóa học nhằm cải thiện tình hình”.

Theo Reuters, các nhà nghiên cứu đang tìm cách phát triển các giống cải thảo kháng nhiệt và kháng bệnh. Song, điều này càng làm tăng thêm thách thức cho ngành công nghiệp kim chi trong nước của Hàn Quốc, vốn đang phải đối mặt sự cạnh tranh từ các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, chủ yếu được sử dụng trong các nhà hàng. Ước tính, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, giá trị nhập khẩu kim chi của Hàn Quốc vào khoảng 98 triệu USD, tăng khoảng 7% so cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử thương mại của ngành công nghiệp kim chi Hàn Quốc.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc ngày 23/10 vừa qua thông báo sẽ bảo đảm cung cấp 24.000 tấn cải thảo từ kho dự trữ quốc gia để hỗ trợ trong mùa làm kim chi cao điểm sắp tới. Con số này tăng thêm 10% so năm trước. Không chỉ vậy, người đứng đầu bộ phận phân phối và chính sách tiêu dùng thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, chính phủ có kế hoạch cải thiện công nghệ dự trữ, mở rộng các cơ sở dự trữ cải thảo và duy trì một lượng dự trữ khẩn cấp là 1.000 tấn để chuẩn bị cho bất kỳ sự gián đoạn cung ứng.

Trước đó, giới chức “xứ kim chi” cũng đưa ra kế hoạch xây dựng hai cơ sở trữ cải thảo có diện tích lên đến 9.900 m2 vào năm 2025, với vốn đầu tư 58 tỷ won (khoảng 42 triệu USD). Các khu liên hợp sẽ có thể lưu trữ 10.000 tấn cải thảo, bắp cải và 50 tấn dưa muối mỗi ngày.