3 nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học

NDO - Chiều 24/11, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chương trình Giải thưởng Khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2023. 3 nhà khoa học nữ Việt Nam có các đề án nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực Khoa học vật liệu và Khoa học sự sống được trao giải.
0:00 / 0:00
0:00
Ban tổ chức trao Giải thưởng cho 3 nhà khoa học.
Ban tổ chức trao Giải thưởng cho 3 nhà khoa học.

Ứng viên đạt giải được bình chọn qua thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật, tính hiện đại và mới mẻ của đề tài cũng như tính ứng dụng và tiềm năng của các đề án nghiên cứu. Giải thưởng có giá trị 150 triệu đồng cho mỗi ứng viên đạt giải.

Tại buổi lễ, Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023 đã được Hội đồng Khoa học quốc gia trao cho 3 nhà khoa học trẻ xuất sắc trong 2 lĩnh vực Khoa học vật liệu và Khoa học sự sống.

3 nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học ảnh 1

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Giải thưởng phát biểu tại buổi lễ.

3 nhà khoa học được trao giải gồm:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài hướng đến việc phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho các y, bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị, giảm sự phát triển và lây lan của tính kháng thuốc, đóng góp quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài là tác giả và đồng tác giả của 3 chương sách và 72 bài báo với 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc.

Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi, Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi là tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới là loại pin ion kim loại đa hóa trị, sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương để thay thế cho các loại pin hiện hành do chi phí sản xuất thấp và sự phong phú của các kim loại đa hóa trị. Với sự đa dạng trong thiết kế cấu trúc, tổng hợp từ nguyên vật liệu ban đầu rẻ tiền, đây sẽ là lớp vật liệu điện cực dương thân thiện môi trường, tránh được việc khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường của các kim loại chuyển tiếp độc hại như coban trong pin ion liti và chì trong pin acid chì đang sử dụng hiện nay.

Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi là tác giả của 52 bài báo quốc tế, 23 bài báo trong nước và chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và quốc gia với hướng nghiên cứu trọng tâm trong lĩnh vực quang-điện tử, và gần đây là nghiên cứu chế tạo cửa sổ điện sắc kết hợp với lưu trữ năng lượng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế.

Nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung về khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, tìm ra mối tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein. Mục tiêu của nghiên cứu là sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới và đặc hữu tại Việt Nam như gừng đen, trứng nhện, tỏi đá Phong Điền, bồ công anh Việt Nam, nấm dược liệu… và khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học của hợp chất tự nhiên. Từ đó, đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường, …) của các hợp chất tự nhiên và so sánh với thuốc đối chứng bằng tính toán hóa lượng tử kết hợp với các kỹ thuật mô phỏng hiện đại để tìm ra mối tương quan giữa cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học của các hợp chất này.

Đề tài của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung được đánh giá là có ý nghĩa trong việc đóng góp các chất có hoạt tính sinh học cho kho tàng hóa học các hợp chất thiên nhiên, gợi mở những vấn đề thú vị cho nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm và tạo cơ sở ứng dụng dữ liệu tính toán áp dụng đối với các hợp chất trong nghiên cứu y sinh, dược học.

Phó Giáo sư ,Tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung đã công bố 37 công trình quốc tế, trong đó có 27 công trình đứng tên đầu, là đồng tác giả của 3 sách chuyên ngành, chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học.

3 nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học ảnh 2

Ông Benjamin Rachow, Tổng giám đốc L’Oreal Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Benjamin Rachow, Tổng giám đốc L’Oreal Việt Nam cho biết, thông qua những khám phá của mình, mỗi nhà khoa học mang đến niềm hy vọng to lớn để đẩy lùi biên giới kiến thức và đương đầu với những thách thức lớn nhất trong tương lai của chúng ta. Thách thức trong thời gian tới là đảm bảo phụ nữ được đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong các ngành khoa học định hình thế giới của tương lai.

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Giải thưởng cho rằng, những đóng góp của các nhà khoa học nữ được Giải thưởng tôn vinh trong 14 năm qua và hôm nay đã vượt xa ranh giới của phòng thí nghiệm và các bài nghiên cứu, chúng đã đi vào cuộc sống hằng ngày, làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về thế giới.

Các nhà khoa học nữ được trao giải thưởng lần này đã đối mặt với những thử thách, cũng như thể hiện sự kiên cường và niềm đam mê vượt qua ranh giới của những hiểu biết đã có.

Nghiên cứu của họ không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực hay chuyên ngành nào mà chạm đến mọi khía cạnh trong thế giới của chúng ta. Nó có sức mạnh chữa lành bệnh tật, giải quyết những thách thức toàn cầu làm thay đổi tiến trình của nhân loại. Tác động của các nghiên cứu của các nhà khoa học nữ truyền đi qua nhiều thế hệ, đồng thời truyền cảm hứng tiếp bước cho những người khác noi theo.

Từ năm 2009, Giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã được giới thiệu đến Việt Nam nhằm hỗ trợ khuyến khích việc nâng cao kiến thức khoa học, sự sáng tạo và đam mê từ “một nửa của thế giới” là những nhà khoa học nữ trên toàn thế giới.

Trong 14 năm qua, Giải thưởng khoa học được dành riêng cho nữ giới này đã vinh danh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam qua những nghiên cứu được đánh giá có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và thể hiện niềm đam mê của họ với nghiên cứu khoa học.