226 nghìn thuê bao bị khóa một chiều đã thực hiện chuẩn hóa

NDO - Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong các ngày đầu tháng 4, có 226 nghìn thuê bao đã bị khóa một chiều, chiếm 13,5% trong tổng số 1,67 triệu thuê bao bị khóa một chiều, đã đến thực hiện chuẩn hóa để mở lại dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã thông tin tại cuộc họp báo chiều 6/4.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã thông tin tại cuộc họp báo chiều 6/4.

Chiều 6/4, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đã thông tin về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động có thông tin không đúng trùng khớp giữa cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, qua đối soát thông tin trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó, rà soát, phát hiện còn 3,84 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp giữa cơ sở dữ liệu tại doanh nghiệp di động và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát, kiểm tra ứng dụng công nghệ thông tin dùng để nhận dạng hồ sơ đăng ký thuê bao (bản giấy, bản photocopy giấy tờ tùy thân) để khẳng định cơ sở dữ liệu tại nhà mạng là trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi khách hàng đăng ký. Sau khi rà soát đã lọc ra 3,84 triệu thuê bao cần được nhắn tin thông báo, đề nghị người sử dụng chuẩn hóa thông tin lần này.

"Quá trình thực hiện rà soát được doanh nghiệp thực hiện kỹ lưỡng thậm chí sử dụng cả nhân công để bảo đảm ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng đã có thông tin thuê bao đúng quy định", ông Nguyễn Phong Nhã cho hay.

Tất cả các doanh nghiệp đã cùng thực hiện nhắn tin thông báo tới khách hàng và bảo đảm đến ngày 31/3, tất cả các thuê bao đã được nhắn tin thông báo phải thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, đến hết 31/3, với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong suốt 2 tuần trên mọi loại hình báo chí từ phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội..., đến hệ thống truyền thanh không dây, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo. Còn 1,67 triệu thuê bao (43,51%) chưa thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều gọi đi, gửi tin nhắn theo quy định.

Sau khi bị khóa một chiều, các thuê bao vẫn gọi điện được đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp và khi khách hàng trả lời một cuộc gọi đến, tổng đài chăm sóc khách hàng cũng sẽ nhắn một bản tin nhắc người sử dụng đi chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Ông Nhã cho biết, trong các ngày 1, 2, 3, 4, 5/4, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận khoảng 226 nghìn (13,5%) thuê bao đã bị khóa một chiều đến thực hiện chuẩn hóa để mở lại dịch vụ.

Theo ông Nhã, đến ngày 15/4, các thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa hai chiều, và đến ngày 15/5, nếu chưa chuẩn hóa thông tin thì các thuê bao này sẽ bị thu hồi.

"Kết quả của đợt chuẩn hóa lần này cho thấy, người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin chính chủ của mình rất quan trọng, vì điện thoại thông minh ngày nay với vô vàn tính năng quan trọng, hữu ích đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày", ông Nguyễn Phong Nhã đánh giá.

Hoạt động chuẩn hóa thông tin thuê bao được người sử dụng ủng hộ, được các cơ quan truyền thông trung ương, địa phương thường xuyên đưa các tin bài, hướng dẫn người sử dụng. Các sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước đã chỉ đạo hoạt động truyền thông và giám sát việc thực hiện.

Các doanh nghiệp di động đã triển khai tính năng chuẩn hóa thông tin thuê bao trên ứng dụng của điện thoại thông minh, trang web; mở thêm giờ tại các điểm giao dịch đông khách hàng, tăng cường nhân lực chăm sóc khách hàng, cá thể hóa việc chăm sóc khách hàng để tạo điều kiện, bảo đảm thông tin đầy đủ và ít ảnh hưởng nhất tới người sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hướng dẫn cách kiểm tra thông tin miễn phí số điện thoại mình đang sử dụng bằng cú pháp TTTB gửi 1414, từ đó người dùng điện thoại chủ động liên hệ với số điện thoại chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để cập nhật nhằm bảo đảm quyền lợi của chính bản thân mình và góp phần hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác.