Xã Hưng Yên Nam nằm phía bắc của huyện Hưng Nguyên, trong vùng địa hình bán sơn địa, nhiều núi đồi và vùng trũng thấp. Toàn xã có 2.157 hộ dân, 8.185 nhân khẩu, phân bố trên 8 xóm, tỷ lệ giáo dân chiếm gần 80% dân số, có 3 giáo xứ (Ðồng Sơn, Tràng Nứa, Yên Thịnh), 7 giáo họ, 5/8 xóm có giáo dân toàn tòng. Ðược thành lập từ năm 2009, trên cơ sở chia tách từ xã Hưng Yên cũ, với cơ sở hạ tầng xuống cấp nên hình ảnh của xã gây cho nhiều người cảm giác về sự "xập xệ và tạm bợ".
Dăm năm trước, nếu về thăm xã, không ít người lầm tưởng lạc về những năm 1980, 1990… bởi giao thông trắc trở, trụ sở UBND xã, trường học, nhà văn hóa đều ở tạm trong các dãy nhà kho của hợp tác xã xây từ thế kỷ trước. Khó khăn càng chồng chất khó khăn khi Ðảng ủy xã mất đoàn kết nội bộ, không được sự đồng thuận của nhân dân. Tinh thần và ý chí rệu rã nên khi nhắc đến việc xây dựng nông thôn mới, phần lớn ý kiến trong xã, ngoài huyện đều cho rằng: Hưng Yên Nam còn lâu mới xây dựng được nông thôn mới!
Tháng 6/2021, Huyện ủy Hưng Nguyên chỉ định đồng chí Hoàng Ðức Ân đang là Trưởng Phòng Nông nghiệp UBND huyện làm Bí thư Ðảng ủy xã Hưng Yên Nam với yêu cầu bằng mọi cách đưa xã về đích nông thôn mới.
Thời điểm này, xã đạt 11/19 tiêu chí, chưa đạt các tiêu chí liên quan đến thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông, điện chiếu sáng. Qua phân tích tình hình, Bí thư Ðảng ủy xã Hoàng Ðức Ân nhận thấy "điểm nghẽn" xuất phát từ tình trạng cán bộ làm việc không hiệu quả, ít tiếp xúc với dân, thiếu sâu sát cơ sở. Xã Hưng Yên Nam có 80% đồng bào theo đạo công giáo quan hệ chặt chẽ với linh mục quản xứ và hội đồng mục vụ các giáo xứ, tuy nhiên chính quyền chưa có biện pháp phát huy đặc điểm này.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư, Ðảng ủy xã đã điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy nhân sự, tăng hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, vận động người dân đoàn kết lương giáo, thu hút sự tham gia của các chức sắc tôn giáo và giáo dân. Sự đổi thay như luồng gió mới thổi sinh khí vào tất cả các hoạt động của đoàn thể, mặt trận, cấp ủy và chính quyền. Cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ các giáo xứ chủ động phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ðảng ủy, chính quyền xã đã làm việc với linh mục và hội đồng mục vụ các giáo xứ, giáo họ để giải thích rõ chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới cũng tương đồng với ý niệm mà giáo hội hướng tới, đó là làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.
Ðồng thời, xã giao các xóm triển khai họp mở rộng gồm ban cán sự xóm, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể, hội đồng mục vụ tham gia để tranh thủ sự đồng thuận, thống nhất, sau đó mới họp dân. Trên cơ sở các chỉ tiêu nông thôn mới, bí thư chi bộ, xóm trưởng từng xóm xốc lại nhiệm vụ, xác định những nội dung nào xóm triển khai, nội dung nào người dân thực hiện, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Chủ tịch hội đồng mục vụ giáo họ Sơn Láng, giáo xứ Ðồng Sơn Phạm Trọng Lập nói: "Khi hiểu xây dựng nông thôn mới là làm cho bản thân, làm cho chính mình chứ không phải riêng ai thì sự phối hợp diễn ra rất tốt đẹp. Khi được vận động, người dân đồng tình nhất trí ủng hộ". Niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa qua nhiều phong trào đóng góp xây dựng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa của xóm…
Thời điểm tháng 3/2023, khi Nam Hưng Yên được công nhận về đích nông thôn mới, tính ra mỗi hộ dân đóng góp trung bình 15 triệu đồng để nâng cấp, làm mới đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng và hệ thống điện chiếu sáng. Toàn xã huy động được hơn 109 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, điện, kênh mương, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa, trong đó nhân dân đóng góp hơn 23 tỷ đồng, chiếm 21,22%.
Cùng với sự hỗ trợ của huyện, xã Hưng Yên Nam xây mới trường học, trung tâm hành chính xã, cùng nhiều thiết chế văn hóa, sân chơi thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Ðến nay, 8/8 xóm có nhà văn hóa và bộ lễ nghi khánh tiết đồng bộ, có sân thể thao theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ban xây dựng nông thôn mới của các xóm đã huy động nguồn lực trong nhân dân, vận động nông dân hiến đất, mở rộng lề đường từ 4m đến 7m, làm mương thoát nước.
Kết quả, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã, liên xã dài 5km đã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; các trục giao thông nội đồng, tổng cộng có 129 tuyến với tổng chiều dài 40km được nâng cấp, xe cơ giới đi lại thuận tiện, phục vụ tốt sản xuất.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Hưng Yên Nam luôn xác định "dân vận khéo" là một trong những yếu tố quyết định sự thành công. Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể xã Hưng Yên Nam tập trung thực hiện hiệu quả thông qua nhiều hình thức, cách làm đa dạng và thiết thực. Nổi bật là các mô hình huy động nguồn lực trong dân để đẩy mạnh chương trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, chỉnh trang giao thông nội đồng; hiến đất xây dựng con đường mẫu; xây dựng đường cờ Tổ quốc, đường điện chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời và điện lưới trên tất cả các xóm.
Hiện nay, hơn 80% trục đường có đường cờ Tổ quốc, hệ thống đèn điện chiếu sáng… Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn: xanh-sạch-đẹp.
Cùng với việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, Ðảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức đảng, đoàn thể tuyên truyền, thuyết phục người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình để nâng cao đời sống thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành một số vùng chuyên canh: đào cảnh, cây ăn quả na, táo, chanh tứ quý; đồng thời trồng cam Xã Ðoài, ổi lê, mít Thái, nuôi gà thả đồi… Ðịa phương chuyển một số vùng đất lúa cao cưỡng sang trồng khoai lang chất lượng cao; trồng sả; cà gai leo… Một số vùng sâu trũng chuyển sang mô hình nuôi ốc bươu, ba ba, ếch… Nhờ đó, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%.
Bí thư Ðảng ủy xã Hưng Yên Nam Hoàng Ðức Ân chia sẻ: Từ ngày nhận nhiệm vụ đến khi xã được công nhận về đích nông thôn mới là 21 tháng. Hưng Yên Nam đã có bước chuyển mình ngoạn mục để trở thành xã nông thôn mới. Thành quả này là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân. Kinh nghiệm rút ra là phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, cán bộ nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần nêu gương của đảng viên, đặc biệt là phải tạo được sự đồng thuận của nhân dân, phát huy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân ■