Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư dự án), dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn có tổng chiều dài khoảng 28,98km; điểm đầu tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới-Chợ Chu), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với Quốc lộ 2C) huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp 3 miền núi vận tốc thiết kế 60 km/giờ quy mô 2 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.665 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) dài 3.183km (tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía tây dài 684km). Đến nay, toàn tuyến đã hoàn thành 2.488km và khoảng 258km tuyến nhánh, còn lại 256km đang triển khai, trong đó đoạn Chợ Chu-Ngã Ba Trung Sơn là mảnh ghép cuối cùng được đầu tư xây dựng để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.
Kỳ tích 65 năm mở đường Hồ Chí Minh
“Khi hoàn thành, tuyến Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn tạo thành hệ thống giao thông đường bộ liên vùng, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, tăng cường quốc phòng, an ninh các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang nói riêng và khu vực trung du và miền núi phía bắc nói chung, qua đó sẽ khai thác hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông lớn của quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Để dự án triển khai xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn,...
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; bố trí bãi đổ thải, ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho dự án; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công trong suốt quá trình triển khai xây dựng công trình; tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực triển khai dự án.
Nhà thầu huy động máy móc triển khai thi công dự án. |
Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường, dự án này nhằm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch, góp phần nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải các tỉnh phía bắc đến vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nối các khu di tích của tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh, thành phố khác.
Để dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm kỹ thuật, ông Trường khẳng định, hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang cam kết phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tái định cư, tuyên truyền người dân đồng thuận cao để công trình thi công đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Sơn Hải (đại diện liên danh nhà thầu dự án) cam kết và quyết tâm hoàn thành dự án bảo đảm chất lượng an toàn công trình theo tiến độ của Bộ Giao thông vận tải đề ra vào cuối năm 2025.
Để đạt mục tiêu này, Tập đoàn Sơn Hải mong muốn chính quyền địa phương, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sớm hoàn thành mặt bằng để nhà thầu tổ chức triển khai thi công.