15 năm quản lý và điều hành Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh

Trước năm 1975, Trung tâm kiểm soát đường dài Sài Gòn là trung tâm hiện đại trong khu vực, nên được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho kiểm soát FIR Sài Gòn cũ, bao gồm vùng trời trên đất liền của miền nam Việt Nam và vùng trời rất lớn trên khu vực phía nam Biển Ðông. Khi miền nam hoàn toàn giải phóng, Việt Nam chưa tuyên bố tiếp quản và mở cửa hoạt động FIR Sài Gòn, ICAO tạm thời giao vùng trời trên Biển Ðông cho ba Trung tâm kiểm soát đường dài không phận của Việt Nam. Việt Nam chỉ còn quản lý và điều hành vùng trời duy nhất trên lãnh thổ đất liền.

Theo ICAO, FIR chỉ là vùng trời mang tính kỹ thuật đơn thuần, không mang ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ. Nhưng thực chất quốc gia nào quản lý FIR, quốc gia đó quản lý mọi hoạt động bay trong vùng trời đó. Ðánh giá được ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, ngày 4-1-1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị 05/CT về "Những nhiệm vụ cấp bách để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh". Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã chỉ đạo Công ty Quản lý bay (tiền thân của Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam - TCT) và các đơn vị thuộc Cục thực hiện hai nhiệm vụ, đó là quản lý và  bảo đảm điều hành bay trong nước an toàn, và tập trung sức lực, trí tuệ trong thời gian ngắn nhất tiếp nhận lại FIR Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị không vận châu Á - Thái Bình Dương (RAN3) diễn ra tại Băng-cốc năm 1993, ICAO công nhận ngành hàng không Việt Nam đã đạt yêu cầu quốc tế đề ra, TCT đã được giao quyền điều hành quản lý FIR Hồ Chí Minh từ ngày 8-12-1994.

Trải qua 15 năm tiếp nhận và quản lý điều hành bay FIR Hồ Chí Minh, TCT  tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay, đáp ứng được yêu cầu của phương thức quản lý không lưu mới mà ICAO đề ra. Thực hiện chương trình đổi mới công nghệ, TCT đã  đầu tư xây dựng hàng trăm dự án với tổng chi phí hàng nghìn tỷ đồng, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị quản lý, điều hành bay. Từ năm 1994 đến  nay, các đài chỉ huy tại hầu hết các sân bay địa phương đã được nâng cấp và xây mới. Hàng loạt đài kiểm soát không lưu, đài dẫn đường  tại các sân bay đã phát huy tốt hiệu quả, khai thác tối đa năng lực của các sân bay; từ chỗ chỉ khai thác ban ngày, đến nay đã đủ khả năng khai thác 24/24 giờ, kể cả trong điều kiện thời tiết phức tạp. Nhiều dự án lớn trọng điểm được đầu tư  như dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Ðường dài - Tiếp cận Hồ Chí Minh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng số vốn gần 400 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5-2006; hai dự án Ðài kiểm soát không lưu  Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất với quy mô hiện đại của khu vực Ðông - Nam Á, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của ngành quản lý bay. Nâng cấp và xây dựng hai trung tâm chỉ huy đường dài, 20 đài chỉ huy, 9 trạm ra-đa sơ cấp và thứ cấp, 11 đài dẫn đường, 8 trạm VHF,... đáp ứng yêu cầu của hoạt động bay trong nước và quốc tế. Nhờ đó, TCT đã đổi mới được toàn bộ các dây chuyền công nghệ theo hướng đồng bộ và tự động hóa, đã có nhiều dây chuyền quan trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, chất lượng cao như hệ thống xử lý dữ liệu tự động, kỹ thuật số, liên lạc vệ tinh, cáp quang... Ðặc biệt, đã  thay đổi công nghệ quản lý - điều hành bay từ giản đơn, cổ điển (nghe - nói) sang hiện đại (nghe - nói - giám sát) và xây dựng Trung tâm xử lý dữ liệu bay, dữ liệu ra-đa EUROCAT được truyền dẫn qua các đài vệ tinh đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, Quy Nhơn, Ðà Nẵng và Hà Nội nối mạng ra-đa từ FIR Hồ Chí Minh với FIR Hà Nội.

Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc TCT Nguyễn Xuân Hiển cho biết, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay, TCT từng bước tập trung đầu tư nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực. Thông qua đào tạo mới, đào tạo nâng cao ở nước ngoài cho hàng trăm cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và kiểm soát viên không lưu, không báo, khí tượng, tìm kiếm cứu nạn để làm chủ công nghệ mới. Lực lượng kiểm soát viên không lưu điều hành bay có đủ khả năng phối hợp hiệp đồng cùng với các nước trong khu vực để xử lý kịp thời, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay dân dụng, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao hoạt động liên tục 24/24 giờ.

TCT quản lý điều hành hệ thống 20 đường bay trong nước và 25 đường bay quốc tế, phục vụ hơn 100 hãng hàng không hoạt động thường xuyên,  các đường bay quốc tế quá cảnh qua FIR Hồ Chí Minh, đặc biệt trong FIR Hồ Chí Minh có những điểm giao tới 9 đường bay khác nhau, có những đường bay được ICAO xếp trong danh sách 25 đường bay có tần suất hoạt động cao nhất thế giới. Trong 15 năm qua, TCT không để xảy ra một vụ mất an toàn nào, tổng sản lượng điều hành bay liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân là 8,5%/năm, đạt mức cao so với các nước trong khu vực. Hoạt động bay đi/đến các Cảng Hàng không Việt Nam và bay qua các FIR của Việt Nam trong những năm qua đã tăng trưởng đáng kể, năm 2009, so với năm 1994, sản lượng điều hành bay ước đạt 318.718 chuyến, gấp 3,7 lần;  tổng doanh thu đạt 1.806 tỷ đồng, tăng gần 9 lần;  nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 1.000 tỷ đồng, gấp gần 10 lần; bảo đảm an toàn cho 3,2 triệu chuyến bay trong FIR của Việt Nam.

 Mới đây TCT là một trong bốn tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng của 108 quốc gia trên thế giới được Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế IATA trao tặng giải thưởng  "Ðại bàng" vì đạt tiêu chuẩn cao về dịch vụ hàng không dân dụng, tiết kiệm chi phí. Giải thưởng được IATA bình chọn năm năm một lần.

HÀ ANH