14 đề xuất để giảm giá vé máy bay

NDO - Giá vé máy bay nội địa tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường du lịch trong nước. Tại Hội thảo "Hàng không-Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững" do Báo Nhân Dân tổ chức, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã đưa ra 14 đề xuất đối với Chính phủ, các địa phương có sân bay và doanh nghiệp cùng chung tay hành động để giảm giá vé máy bay.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề xuất 14 giải pháp giảm giá vé máy bay tại hội thảo.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề xuất 14 giải pháp giảm giá vé máy bay tại hội thảo.

Kiến nghị Chính phủ xem xét, bỏ quy định về giá trần

Giá vé máy bay đóng vai trò quan trọng trong tổng giá tour, sản phẩm du lịch. Thực tế, giá vé máy bay có thể chiếm đến 40-60% giá tour du lịch trọn gói. Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), giá vé máy bay tăng cao tác động nhiều ngành và sinh kế của địa phương. Nếu giải quyết giá vé máy bay giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau.

Ông Nhân Chính chia sẻ, ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay cao buộc họ phải ‘né’ đường bay để giảm giá tour. "Giá vé máy bay đã tăng khoảng 20%, kéo theo việc giá tour cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước”, ông Chính nói.

Vì vậy, ông Nhân Chính đã đặt ra một loạt các đề xuất với Chính phủ những giải pháp giảm giá vé máy bay, trong đó đầu tiên là đề nghị bỏ quy định về giá trần, xem xét lại cơ chế giá trần vé máy bay nội địa đang áp dụng tại Việt Nam để thị trường quyết định giá vé máy bay nội địa theo quy luật cung cầu, có sự quản lý, điều tiết theo Luật Cạnh tranh.

“Trước mắt, áp dụng giá trần linh hoạt theo giá xăng dầu Trường hợp Bộ Giao thông vận tải chưa áp dụng bỏ quy định về giá trần thì áp dụng giá trần theo biến động các chi phí đầu vào của hàng không, đặc biệt là giá xăng dầu”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, Chính phủ cần khuyến khích thành lập các hãng hàng không mới. Điều này sẽ cho phép việc đầu tư, thành lập hãng hàng không thuận lợi và cạnh tranh trên thị trường hàng không bình đẳng hơn so với hiện nay. Qua đó, tăng năng lực cạnh tranh và công suất bay của các hãng hàng không.

Về vấn đề hỗ trợ chính sách thuế, phí và giá, ông Chính kiến nghị: “Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, miễn mức thuế 7% nhập khẩu xăng dầu đối với các chuyến bay nội địa, áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định”.

Ngoài ra, mong muốn Chính phủ hỗ trợ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để giảm 50% giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay trong 2 năm cho các hãng hàng không; hỗ trợ chung cho ngành hàng không và du lịch với gói kích cầu giảm giá vé máy bay khứ hồi, trợ giá vé máy bay không quá 30USD/vé và trợ giá phòng lưu trú không quá 30USD/đêm, theo nguyên tắc không vượt quá 40% giá trị của vé và phòng, cho 2 triệu vé máy bay và 5 triệu đêm lưu trú tại các điểm đến du lịch trọng điểm của Việt Nam.

Ngoài những kiến nghị hỗ trợ về chính sách thuế, phí và giá của các doanh nghiệp, ông Hoàng Nhân Chính cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ xây dựng thêm trung tâm bảo trì, sửa chữa, đại tu máy bay (MRO). Nhà nước đầu tư vốn ban đầu xây dựng thêm hạ tầng trung tâm bảo trì, sửa chữa, đại tu máy bay ở trong nước để các hãng hàng không giảm chi phí đi bảo dưỡng máy bay ở nước ngoài và giảm thời gian máy bay bảo dưỡng định kỳ.

“Chính phủ cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho hãng hàng không thuê ướt máy bay. Từ đó, giúp các hãng linh hoạt hơn trong việc thuê tàu bay, giảm áp lực về sở hữu tàu bay và tối ưu hóa chi phí vận hành. Đồng thời, Chính phủ cần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào hàng không Việt Nam; thiết lập cơ chế để ngành hàng không và du lịch hợp tác”, ông Chính cho biết.

Ông Hoàng Nhân Chính cũng mong muốn, Chính phủ thiết lập cơ chế hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch có thể thành lập tổ công tác đặc biệt. Tổ công tác này có thể định kỳ tổ chức hội nghị để tìm hiểu nhu cầu, rào cản cần tháo gỡ cấp bách, chia sẻ thông tin, hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ và cùng thực hiện các chiến dịch quảng bá.

Cần sự hỗ trợ của địa phương có sân bay

Để phát triển hài hòa và bền vững, ngành du lịch và hàng không cần xác định mối quan hệ hợp tác cộng sinh chặt chẽ, cùng chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích và phối hợp linh hoạt trong xây dựng sản phẩm.

Đặc biệt, bên cạnh việc Chính phủ tạo điều kiện, hỗ trợ thì sự vào cuộc của các địa phương có sân bay và doanh nghiệp của cả hai ngành rất quan trọng. Nếu không có sự bắt tay của các bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của du khách về du lịch và hàng không.

Đối với các địa phương có sân bay, ông Chính đề xuất chính quyền sở tại cần có cơ chế, chính sách bù lỗ cho ngành hàng không bằng ngân sách nhà nước. Điều này sẽ khuyến khích việc mở đường bay, tăng số lượng chuyến bay đến các địa phương phát triển du lịch.

“Trước mắt, các địa phương đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số lượng khách du lịch đi bằng hàng không như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam... cần có giải pháp kịp thời”, ông Chính nhấn mạnh.

Mặt khác, để phát triển bền vững, các điểm đến và các hãng hàng không đều cần phải thực hiện cam kết. Trên hết, các điểm đến cần nâng cao và giữ vững chất lượng dịch vụ. Đồng thời, các hãng hàng không cần xem xét các chính sách để giữ ổn định giá vé, tránh những biến động lớn.

Các doanh nghiệp hàng không, du lịch cùng hành động

Từ góc độ hợp tác doanh nghiệp, ông Chính mong muốn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phải tăng cường năng lực điều hành.

Theo đó, đơn vị cần tăng tần suất, công suất và giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay; cải thiện, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không để nâng cao khả năng phục vụ; áp dụng công nghệ mới trong quản lý và điều hành bay. Ngoài ra, nghiên cứu, tìm cách tối ưu hóa chi phí liên quan tới dịch vụ mặt đất, bao gồm xử lý hành lý, kiểm tra an ninh và hỗ trợ hành khách.

“Các hãng hàng không cần cam kết với công ty du lịch ổn định cả về giá cả và chất lượng như: triển khai lại các chương trình khuyến mãi và ưu đãi, duy trì chất lượng dịch vụ cao để thu hút và giữ chân khách hàng. Làm được điều này sẽ tạo động lực cho ngành du lịch và hàng không cùng phát triển”, ông Chính nhấn mạnh.

Theo ông Chính, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn nên áp dụng chính sách nhận phòng (check-in) và trả phòng (check-out) linh hoạt. Nhờ đó, du khách sẽ được khuyến khích bay đi và về vào các khung giờ không cao điểm của các đường bay nội địa, qua đó có thể tận dụng được giá giảm của vé máy bay.

“Các đơn vị cung cấp dịch vụ tại sân bay, quản lý, điều hành bay nên xem xét giảm 50% giá, phí cho các chuyến bay đêm so với các chuyến bay ngày và bỏ phí mua vé máy bay. Sự thay đổi này sẽ thúc đẩy hành khách bay đêm, nhằm khai thác hiệu quả hơn máy bay và cơ sở hạ tầng sân bay”, ông Chính nói.

Xét ở góc độ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến ngành du lịch và hàng không, Tiến sĩ Nguyễn Trùng Khánh Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, cả hai ngành cần đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh như: seri booking, ứng dụng quảng bá trên các nền tảng số, kết nối dữ liệu và các ứng dụng nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của hành khách.

“Đồng thời, tổ chức các chương trình tham quan, thực tập, tập sự nghề nghiệp, các chương trình hướng nghiệp, phát triển kỹ năng và hợp tác nghiên cứu khoa học để tăng cường công tác phối hợp liên kết đào tạo nhân lực của cả hai ngành”, Tiến sĩ Nguyễn Trùng Khánh thông tin thêm.