Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; PGS, TS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất; PGS, TS Lê Đình Khánh, Chủ tịch Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam và Ông Atul Tadon, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam cùng các y, bác sĩ và các đơn vị ban, ngành liên quan.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, nhấn mạnh: Chuyển đổi số y tế là 1 trong 8 trọng tâm Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, xác định ngành y tế/chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu.
“Chính vì vậy, ngành y tế nói chung bao gồm cơ sở y tế lẫn các khối hội chuyên ngành cần đẩy mạnh triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, tận dụng thành quả công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo để người dân tiếp cận dịch vụ y tế tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Qua những chương trình này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị, cơ quan y tế mong muốn người dân sẽ ngày càng có ý thức về phòng, chống bệnh, phòng bệnh chủ động sử dụng các công cụ số tiên tiến cũng như cơ sở y tế sẽ ngày một đổi mới, số hóa, theo hướng hiện đại, minh bạch và chất lượng hơn.” đồng chí Tú cho biết.
Ban tổ chức Chương trình trao các phần quà ý nghĩa cho các bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại bệnh viện. |
Chương trình được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ chẩn đoán sớm các bệnh mạn tính phổ biến như tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, tầm soát sớm và tuân thủ điều trị.
Qua tầm soát, người dân nhận được những lời khuyên thiết thực về cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống giảm muối, giảm mặn và lối sống lành mạnh, uống nhiều nước để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng.
Hiện nay, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn là những bệnh mạn tính phổ biến hàng đầu với tỷ lệ mắc phải và thương tật gia tăng nhanh chóng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với sức khỏe con người. Năm 2017, bệnh thận mạn gây ra 4,6% tử vong toàn cầu, xếp thứ 12. Tại Việt Nam, có 8,7 triệu người mắc bệnh này, nhưng chỉ 30% bệnh nhân giai đoạn cuối được lọc máu.
Diễn biến của những bệnh lý thận mạn thường âm thầm, không có những dấu hiệu rõ rệt cho đến khi bệnh tình trở nặng.
Cùng với đó, con số chi trả cho người bệnh để điều trị bệnh đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Chi phí cho chạy thận nhân tạo năm 2022 là hơn 4.000 tỷ đồng, đứng đầu danh sách chi trả của Bảo hiểm Y tế. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Hội nghị Tim mạch-Lão khoa quốc tế Bệnh viện Thống Nhất năm 2023
Báo cáo thêm tại hội nghị, PGS, TS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết, chương trình còn hỗ trợ đồng bào miền bắc, Bệnh viện Thống Nhất đã kêu gọi đóng góp 1 ngày lương và tổ chức quyên góp với số tiền đã hơn 500 triệu đồng cho đợt 1.
Bệnh viện cũng cử 10 Tổ, Đoàn công tác sẵn sàng đi ra phía bắc để hỗ trợ đồng bào.
Không chỉ tập trung vào khám, chữa bệnh mà còn mang niềm vui cho bệnh nhân nghèo. Ban Tổ chức đã trao 10 phần quà cho bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Thống Nhất.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng tặng hệ thống Telehealth và AI tầm soát bệnh mạn tính cho bệnh viện, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ hiện đại.
Sau chương trình, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá tình trạng bệnh thận mạn trong cộng đồng.